Từ câu chuyện thực tế
Là người thành công với mô hình trồng hoa anh đào tại Điện Biên,ỡnútthắtvềhạnđiềnchodoanhnghiệpnôngnghiệtrận thụy điển TS. Trần Lệ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoa Anh Đào cho rằng, những khó khăn về đất đai là một nút thắt đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ông Lệ cho biết: Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp muốn kinh doanh phải có diện tích, mặt bằng kinh doanh lớn. Không thể phát triển mạnh nếu cứ manh mún, nhỏ lẻ. Muốn tìm một quỹ đất để phát triển hoa, rau, tôi phải đi rất nhiều địa phương mới có thể thực hiện ước mơ khởi nghiệp bằng nông nghiệp công nghệ cao của mình.
Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, muốn làm một vùng nguyên liệu nông sản, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn luôn là bài toán hóc búa vì rất khó kiếm được vài chục hecta đất sạch. Điều này cũng là nguyên nhân làm nhiều DN nản lòng, chưa tập trung nhiều vào khâu nuôi trồng, sản xuất, mà chỉ nhắm vào mảng kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (hiện có khoảng 3.500 DN, chiếm 1% tổng DN trong nước).
Trong quản lý của chính quyền đối với đất đai lâu nay không phân biệt khái niệm cấp đất (giao đất) và công nhận quyền sử dụng đất do nhận chuyển nhượng. Vì vậy, để có được diện tích đất đủ lớn để sản xuất và né được thuế vượt hạn điền, nhiều hợp tác xã và trang trại, doanh nghiệp đã phải đi đường vòng bằng cách thuê lại đất nông nghiệp của người dân hay nhờ người khác đứng tên. Việc này có thể dẫn đến tình trạng vì đứng tên hộ rồi tranh chấp, muốn chiếm luôn. Đồng thời khi doanh nghiệp muốn vay vốn cũng rất khó vì không có tài sản đảm bảo mà chỉ có các hợp đồng thuê đất.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Hợp tác xã VIETGAP Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, hiện diện tích đất nông nghiệp hợp tác xã đang sử dụng để sản xuất rau an toàn là gần 4ha. Trong đó, hầu hết đất đều thuộc về đất nông nghiệp quỹ 1 (quỹ đất được Nhà nước cấp cho nhân dân sử dụng ổn định, lâu dài-PV). Muốn có được diện tích đất lớn để trồng rau, hợp tác xã phải thuê lại đất của người dân với giá 80kg thóc/vụ, 160kg thóc/năm (tính theo 2 vụ lúa). Diện tích đất tối đa của mỗi một hộ nông dân là từ 4-5 sào, hộ ít nhất cũng ½ sào (tính theo đơn vị sào Bắc bộ). Việc phải đi thuê lại diện tích đất nông nghiệp cuả các hộ dân vừa khiến chi phí sản xuất của hợp tác xã tăng lên vừa mang tính rủi ro cao vì không biết khi nào thì hộ nông dân đòi lại đất.
Chia sẻ câu chuyện về khó khăn trong xây dựng quỹ đất, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cho biết, Công ty có chủ trương xây dựng một nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn công nghệ cao trên diện tích 1,2 ha ngay tại Thái Bình. Tuy nhiên, để có được diện tích đất này Công ty đã phải đàm phán với 27 hộ trong vòng 3 năm mới lấy được đủ diện tích đất trên.
Tiến tới xóa bỏ hạn điền
Liên quan tới vấn đề này, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, đất đai thực sự là vướng mắc nổi cộm khiến các doanh nghiệp ít mặn mà với nông nghiệp hơn. Hiện nay cả nước có 60,7 triệu người sống ở nông thôn thì có xấp xỉ 60 triệu người làm nông nghiệp. Sự manh mún, nhỏ lẻ khiến tích tụ đất để doanh nghiệp đầu tư là vô cùng khó khăn, không thể có đất “sạch” hàng trăm ha, trong khi các doanh nghiệp lại mong muốn có tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn ha.
Hướng tháo gỡ trước mắt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là phải dành một quy mô đất sạch cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến, ưu tiên công nghệ cao theo hướng thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp khi người dân góp đất cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển hình thức các cánh đồng mẫu lớn cũng là hướng làm khả thi, tuy nhiên còn phải điều chỉnh nhiều yếu tố để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân.
PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thực tế, thời gian qua không ít DN muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên nhiều khó khăn khiến DN phải chùn bước. Điển hình như DN phải làm việc với hàng nghìn nông dân. DN muốn tập hợp ruộng đất, song chủ trương dồn điền đổi thửa khó hiện thực hóa… Do đó, một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu nông sản chính là nhanh chóng tháo gỡ vấn đề đất đai cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp vẫn là về đất đai. Nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) dù có ý định đầu tư vào Việt Nam, nhưng khó có thể tìm được diện tích đất đủ lớn để sản xuất theo hướng hàng hóa. Muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả phải có quy mô. Luật Đất đai đang có hạn chế về hạn điền, một cá nhân chỉ được diện tích nhất định, điều này đang làm tăng chi phí sản xuất, rủi ro và giảm động lực của doanh nghiệp. Hiện tại, chúng tôi rất phấn khởi vì thấy Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nhà chức trách đang thảo luận nới rộng hạn điền. Đây là điểm cần mở rộng, tiến tới xoá bỏ hạn điền để thúc đẩy nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các biện pháp như dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tạo quỹ đất sạch cho nông nghiệp chưa phải là hướng giải quyết dứt điểm “nút thắt” về hạn điền của doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Mấu chốt là sửa Luật Đất đai 2013 mà cụ thể là mở rộng hạn điền, tiến tới xóa bỏ hạn điền, như thế mới mong “cởi trói” cho doanh nghiệp.