【kqbd vdqg vn】Kiểm soát nguy cơ tăng huyết áp
Bệnh cao huyết áp (còn được gọi là tăng huyết áp), là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến trong cộng đồng hiện nay. Do bệnh thường diễn tiến âm thầm nên rất dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm, có thể đe doạ đến tính mạng của người bệnh hoặc để lại gánh nặng hậu quả tàn phế suốt đời.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến cuối tháng 9/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã có tới hơn 59.800 trường hợp mắc căn bệnh nguy hiểm này, riêng số mắc mới trong năm là 6.475 trường hợp. Trong đó, có 47.553 trường hợp đang được quản lý và điều trị thường xuyên.
Cao huyết áp là bệnh lý mạn tính, tình trạng bệnh được xác định khi huyết áp đo được tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Đa phần bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và không có nguyên nhân (khoảng 90% trường hợp huyết áp tăng cao không xác định được nguyên nhân).
Bác sĩ Trạm y tế xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển) kiểm tra huyết áp định kỳ cho bệnh nhân.
Bác sĩ Ngô Minh Phước, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Để điều trị bệnh huyết áp hiệu quả, người bệnh cần trang bị máy đo huyết áp cá nhân để tự kiểm tra huyết áp tại nhà. Việc này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho bác sĩ để điều chỉnh thuốc huyết áp được tối ưu hơn”.
Có thể nói, cao huyết áp luôn là nỗi ám ảnh về sức khoẻ của những người lớn tuổi. Đây được coi là căn bệnh có thể giết người thầm lặng và gây nên những biến chứng khôn lường. Tuy nhiên, một tín hiệu hết sức đáng lo ngại là căn bệnh này đang dần có dấu hiệu trẻ hoá. Nguyên nhân của tình trạng cao huyết áp có thể đến từ nhiều lý do khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân mà người bệnh cần có những giải pháp để ổn định huyết áp hiệu quả, tránh để xảy ra biến chứng.
Ông Cao Hoài Chịa, 63 tuổi, ngụ Khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, đã có tiền sử cao huyết áp từ hơn 10 năm nay, nhưng nhờ ông thực hiện tốt các khuyến cáo của y bác sĩ chuyên khoa nên tình trạng kiểm soát chỉ số huyết áp của ông luôn đạt ở mức an toàn. Ông Chịa chia sẻ: “Bản thân tôi luôn cố gắng tuân thủ tốt các khuyến cáo của bác sĩ như: Ăn nhiều rau xanh, củ, quả…; hạn chế việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc và thức đêm; thường xuyên tập luyện thể chất. Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, chứng bệnh cao huyết áp của tôi đã không có diễn biến xấu”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa về tim mạch cho biết, cao huyết áp là tình trạng áp lực máu lên thành động mạch tăng cao hơn so với mức bình thường. Nếu tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Đặc biệt là nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ... dẫn đến tử vong hoặc để lại hậu quả nặng nề về sức khoẻ, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Có thể thấy, cao huyết áp rất khó để xác định được cơ chế tác động, nguyên do gây bệnh để chủ động phòng ngừa từ sớm. Vì thế, căn bệnh này được coi là “kẻ giết người thầm lặng” với nhiều biến chứng nguy hiểm như: Động mạch vành bị tắc nghẽn khiến cho máu truyền tới tim bị giảm đi rõ rệt; tăng khả năng tử vong khi làm việc căng thẳng, sốc tâm lý hoặc mệt mỏi quá sức rất dễ dẫn đến tình trạng đột quỵ. Ngoài ra, còn phải kể đến các tình trạng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch, ảnh hưởng thị lực, ảnh hưởng tới khả năng vận động…
Tóm lại, tăng huyết áp là một dạng bệnh không thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát triệu chứng, tránh tình trạng tăng huyết áp quá cao, bất ngờ gây biến chứng. Những bệnh nhân cao huyết áp cần lưu ý là phải theo dõi sức khoẻ thường xuyên, theo dõi huyết áp hàng ngày để kiểm soát nguy cơ tăng huyết áp bất thường./.
Phương Vũ