Giúp trẻ em có công việc, ổn định cuộc sống
Ngày 11/9, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp cùng Tổ chức Rồng Xanh tổ chức hội nghị công bố và triển khai dự án "Nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TPHCM".
Tại hội nghị, ông Võ Sĩ, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết dự án này đã được UBND Thành phố cấp giấy phép thực hiện nhằm đảm bảo không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Dự án hướng đến chăm sóc trẻ em khỏe mạnh, hướng nghiệp và dạy nghề cho trẻ 15-16 tuổi, hỗ trợ gia đình các em, xây dựng mạng lưới các cơ sở hỗ trợ trẻ em… thành một mô hình khép kín để hỗ trợ trẻ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.
Giới thiệu dự án, ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết đây là dự án hỗ trợ trẻ em quy mô, triển khai trên toàn thành phố trong thời gian 4 năm với kinh phí giai đoạn 2024-2028 là gần 12 tỷ đồng.
Đối tượng dự án ưu tiên hỗ trợ là trẻ em lang thang, lao động kiếm sống trên đường phố. Dự án hỗ trợ các em học nghề, tìm việc và xây dựng cuộc sống ổn định.
Đối với trẻ em ở các trung tâm bảo trợ xã hội, dự án hỗ trợ thực hiện những nhu cầu cá nhân mà trung tâm không có nguồn lực thực hiện như tìm nhà cho các em, đưa các em hồi gia, ổn định cuộc sống sau khi hồi gia…
Đối với trẻ ở các cơ sở ngoài công lập, dự án ưu tiên hỗ trợ trẻ em ở các lớp tình thương. Vì các em ở đây thường là nhóm trẻ em khó khăn trong cộng đồng, ban ngày mưu sinh kiếm sống, ban đêm đi học.
Các dịch vụ mà dự án cung cấp là một mô hình toàn diện từ tư vấn tâm lý đến trợ giúp pháp lý cho những trẻ có vấn đề liên quan đến pháp luật, làm giấy tờ tùy thân cho trẻ chưa có giấy tờ tùy thân…
Dịch vụ quan trọng nhất của dự án là tổ chức hướng nghiệp, hỗ trợ trẻ em lao động đường phố học nghề (hỗ trợ cả nơi ăn nghỉ), giúp các em tìm kiếm việc làm, hỗ trợ trong quá trình đi làm cho đến khi ổn định cuộc sống.
Khác biệt của dự án là cung cấp cả dịch vụ hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Theo ông Nghinh, kinh nghiệm khi thực hiện các dự án hỗ trợ trẻ em là phải hỗ trợ cả cha mẹ, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.
Bởi nhiều khi, trẻ em phải lang thang trên đường kiếm ăn không phải xuất phát từ mong muốn của các cháu mà còn từ chính cha mẹ, người chăm sóc các em. Nhiều dự án hỗ trợ trẻ em đường phố đi học nhưng gia đình không đồng ý vì mất nguồn thu nhập từ các em.
Trao cơ hội thay đổi cuộc đời
Theo ông Đỗ Duy Vị - đồng Giám đốc Tổ chức Rồng xanh - dự án sẽ hoạt động theo mô hình quản lý ca, quản lý từng trường hợp vì mỗi cháu đều phải hỗ trợ trong thời gian dài mới thể hiện hiệu quả.
Ông Vị cho biết, Tổ chức Rồng Xanh với mạng lưới rộng khắp ngày nay xuất phát điểm ban đầu là từ lòng tốt của một giáo viên trẻ. Anh muốn giúp gì đó cho đời và lựa chọn việc mình am hiểu nhất là tổ chức các lớp dạy tiếng Anh cho trẻ lang thang trên đường phố, giúp trẻ có kiến thức và kỹ năng để thay đổi cuộc đời chính mình.
"Tôi là một trong những đứa trẻ ngày đó. Do đó, những dịp đến TPHCM làm việc, tôi thấy có nhiều trẻ em phải kiếm sống trên đường phố như tôi ngày xưa nên muốn giúp đỡ bọn trẻ. Tôi mong muốn cho các em có một cơ hội để cuộc đời các em tốt hơn như tôi từng được cho cơ hội", ông Vị chia sẻ.
Theo ông Đỗ Duy Vị, Tổ chức Rồng Xanh luôn xem giáo dục là chìa khóa để thoát nghèo, trẻ em hôm nay tạo ra thế giới tốt đẹp ngày mai. Do đó, trẻ em xứng đáng được cung cấp dịch vụ tốt nhất; được quyền an toàn, vui chơi, học tập; được lắng nghe và được yêu thương.
Góp ý tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM, đánh giá rất cao mô hình hỗ trợ của dự án.
Vì thực tế tại trung tâm có rất nhiều hoạt động trợ giúp trẻ em không có trong chính sách hỗ trợ của nhà nước. Chẳng hạn như hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức hồi gia, hỗ trợ xét nghiệm ADN để làm giấy khai sinh cho trẻ không có giấy tờ…
Trung tâm phải phối hợp với các tổ chức phi chính phủ có cung cấp những dịch vụ này để tận dụng nguồn lực, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em, để trẻ được chăm sóc toàn diện nhất, giúp cho các em có tương lai tốt đẹp hơn.
Kết luận hội nghị, bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết: "Dự án cung cấp nhiều dịch vụ cho trẻ em. Những hoạt động này được triển khai với sự tham gia tư vấn của các cơ sở bảo trợ trẻ em công lập và ngoài công lập, phù hợp với nhu cầu của trẻ em thành phố. Hy vọng dự án sẽ góp phần tạo điều kiện giúp các em và gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống".