Rà soát thu thập dữ liệu để đưa vào quản lý thuế
Để chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, ngay từ năm 2017 Cục Thuế TP. Hà Nội đã chủ động rà soát các cá nhân có hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội. Cục thuế đã gửi tin nhắn đến các chủ thuê bao có địa chỉ bán hàng trên các mạng xã hội với 13.000 tin nhắn và đã xác định có khoảng trên 2.000 cá nhân thực hiện các thủ tục đăng ký kê khai thuế.
Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, để tổ chức, cá nhân biết và chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế, cục thuế cũng đã thường xuyên tuyên truyền bằng các hình thức khác nhau, giúp người nộp thuế nắm bắt được quy định pháp luật về thuế, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Cụ thể, Cục Thuế TP. Hà Nội đã có công văn hướng dẫn các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện thủ tục đăng ký thuế. Ngoài ra, bộ thủ tục hướng dẫn cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đã được đăng trên trang thông tin điện tử Cục Thuế TP. Hà Nội; đăng trên bảng thông báo tại bộ phận một cửa để các cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế lưu ý, hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về nội dung kê khai thuế đối với người nộp thuế.
Chuyển cơ quan công an nếu cố tình không kê khai, nộp thuế
Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, với các trường hợp đã thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ nhưng người nộp thuế vẫn cố tình không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định. Đối với các cá nhân không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra, cục thuế sẽ tổng hợp và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi đã nhiều lần gửi thông tin về đăng ký thuế, kê khai nộp thuế cho các cá nhân, đồng thời cung cấp số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ trên website, tạo điều kiện tốt nhất cho các cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ của mình” - ông Trường cho biết.
Ngày 1/7/2020, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành đã bổ sung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan thuế thực hiện siết chặt quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Qua tìm hiểu được biết, hiện cục thuế đã và đang tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia, hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng...
“Qua phối hợp với các cơ quan liên quan, cục thuế đã nhận diện, phân loại và thu thập dữ liệu các đối tượng quản lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử để có những biện pháp cụ thể đối với từng nhóm đối tượng quản lý, từ cung cấp ứng dụng trên Google, Facebook đến bán hàng online, cho thuê nhà qua ứng dụng Agoda, Booking.com, Airbnb…” - ông Trường chia sẻ.
Đã có 225 cá nhân kê khai nộp thuế với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng
Từ kết quả thu thập dữ liệu, cục thuế đã thực hiện rà soát tại địa bàn, gửi giấy mời các cá nhân lên cơ quan thuế để thực hiện kê khai. Tính đến thời điểm ngày 22/10/2020, đã có 225 cá nhân thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế với tổng doanh thu trên 1.161 tỷ đồng và số tiền thuế, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách hơn 67,25 tỷ đồng.
Riêng đối với hoạt động bán hàng online, Cục Thuế TP. Hà Nội đang đồng thời xây dựng dữ liệu về các cá nhân, tổ chức bán hàng online thông qua công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp và phối hợp với các đơn vị có liên quan đến hoạt động bán hàng qua mạng để xác định các cá nhân, tổ chức bán hàng online. Bước đầu, cơ quan thuế đã thực hiện được 25 trường hợp, số tiền thuế đã nộp 4 tỷ đồng.
Đối với hoạt động thương mại điện tử cho thuê nhà thông qua ứng dụng như Agoda, Booking.com, Airbnb… Qua rà soát, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tiến hành thu thập thông tin, xác định danh tính bên cho thuê nhà, từ đó xây dựng, phân tích dữ liệu, hướng dẫn các cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế. Tính đến thời điểm này, số thuế cá nhân đã nộp ngân sách nhà nước gần 94 tỷ đồng.
Mặc dù việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, để quản lý thuế đối với hoạt động này là rất khó khăn do một số người nộp thuế chưa chủ động tìm hiểu, nắm bắt được quy định pháp luật về thuế, dẫn đến việc chưa tuân thủ, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Ngoài ra, loại hình, hình thức kinh doanh thương mại điện tử đa dạng trên nhiều nền tảng, không biên giới, phát triển nhanh, đòi hỏi cơ chế chính sách, công tác quản lý phải có định hướng, dự báo, bao quát theo kịp được sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử…
Đề cập đến các giải pháp trong thời gian tới, đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, trước mắt sẽ tiếp tục tập trung hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của mình theo quy định; thực hiện rà soát, phân tích dữ liệu thanh tra, kiểm tra đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử trên địa bàn TP. Hà Nội; phối hợp với các đơn vị, sở, ngành để thu thập thông tin, hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định./.
Nhật Minh