Vấn đề ô nhiễm nhựa cần được giải quyết kịp thời. Ảnh minh họa: The Japan Times/TTXVN |
Trước đó vào năm 2022, các quốc gia đã nhất trí hoàn tất một hiệp ước đầu tiên trên thế giới vào cuối năm nay, nhằm giải quyết vấn đề nghiêm trọng khi nhựa được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ đỉnh núi cho đến đáy đại dương, cũng như trong máu người và sữa mẹ.
Các nhà đàm phán đã nhóm họp 3 lần và dự kiến sau các cuộc đàm phán ở Ottawa, sẽ tổ chức vòng đàm phán cuối cùng tại Hàn Quốc. Được biết, vòng đàm phán trước đó ở thủ đô Nairobi của Kenya diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, đánh dấu cơ hội đầu tiên để các nhà đàm phán tranh luận về một dự thảo hiệp ước, trong đó vạch ra những con đường để giải quyết vấn đề.
Theo Bộ trưởng Môi trường Canada Steven Guilbeault, người chủ trì các cuộc đàm phán ở Ottawa, mục tiêu của vòng đàm phán này là đạt được một văn bản với 60 - 70% nội dung được các đại biểu thông qua.
Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm nhựa lan rộng có khả năng tác động nghiêm trọng đến các đại dương và khí hậu, nhà khoa học đại dương Neil Nathan thuộc Đại học California Santa Barbara cho biết: “Hiệp ước này mang đến một cơ hội to lớn trong thời điểm cấp bách. Các biện pháp cụ thể và ràng buộc về mặt pháp lý là điều cần thiết”.
Sản lượng nhựa hàng năm đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm lên 460 triệu tấn, và đang trên đà tăng gấp ba trong vòng 4 thập kỷ. Chỉ 9% được tái chế và theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đóng góp của nhựa vào sự nóng lên toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2060.
“Chúng ta đang ở ngã ba đường”, ông Eirik Lindebjerg của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-International) cho biết; đồng thời lưu ý: “Đại đa số các quốc gia đã kêu gọi áp dụng các quy tắc toàn cầu mang tính ràng buộc cần thiết, các nhà lãnh đạo giờ đây cần biến những lời kêu gọi này thành hành động”.
Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy cho rằng, các cuộc đàm phán ở Ottawa sẽ báo hiệu liệu có thể đạt được hiệp ước vào cuối năm nay hay không.