TheệpmaymặcnêntậndụngcơchếmộtđổimộtkhiXKsangHoaKỳnữ arsenal vso nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm “Các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may hưởng lợi lớn nhất từ TPP” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 23-3, dệt may là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bởi dệt may sẽ được hưởng mức thuế xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm xuống gần bằng 0% từ mức 17% như hiện nay. TPP cũng có thể giúp dệt may và da giày Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tới 165 tỷ USD vào năm 2025, trong khi nếu không có TPP, con số này chỉ khoảng 113 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bách, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Việt Thái lại bức xúc khi cho biết, DN đang mất dần lòng tin với TPP khi quy hoạch ngành vùng nguyên liệu không đồng đều, doanh nghiệp muốn chuyển sang làm ODM (tự thiết kế, sản xuất) để nâng giá trị gia tăng nhưng thiết kế của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, ngoại ngữ kém. Đặc biệt, khách hàng đang quay lưng lại với doanh nghiệp Việt Nam do lương nhân công đang cao hơn nhiều so với các nước khác trong TPP như Ấn Độ, Bangladesh…
Đây là cái khó của nhiều DN dệt may Việt Nam nói chung, vì thế, các chuyên gia tham dự tọa đàm đều cho rằng, để tận dụng tối đa khả năng khi vào TPP, các doanh nghiệp nên khai thác tốt những gì tự có, tìm hiểu sâu về những quy định của Hiệp định để tìm ra cơ hội tốt cho mình.
Cụ thể, theo ông Vương Đức Anh, Trưởng phòng thuộc Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong quy tắc từ sợi, về nguồn cung thiếu hụt, trong 194 mặt hàng có 186 mặt hàng được áp dụng vĩnh viễn, trong đó 8 mặt hàng được áp dụng trong vòng 5 năm. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kết cấu của nguồn cung thiếu hụt này sâu hơn, để có thể điều chỉnh thêm thành phần vào sợi vải nhằm rơi vào danh mục nguồn cung này để hưởng lợi từ TPP.
Bên cạnh đó, DN nên tận dụng cơ chế “một đổi một” khi xuất khẩu quần nam nữ bằng vải bông sang Hoa Kỳ. Đây là cơ chế linh hoạt dành riêng cho Việt Nam, khi cho phép doanh nghiệp mua 1 đơn vị vải bông thích hợp làm quần có xuất xứ từ Hoa Kỳ sẽ được phép sử dụng một đơn vị vải bông nhập khẩu từ ngoài khu vực TPP để may quần xuất khẩu sang Hoa Kỳ và hưởng thuế từ 0%. Tỷ lệ quy đổi giữa vải bông xuất xứ Hoa Kỳ và vải bông được phép nhập khẩu ngoài khối TPP khác nhau giữa quần nam và quần nữ.
Tương tự, Việt Nam có 3 nhóm hàng được linh hoạt không áp dụng quy tắc từ sợi trở đi là: va li túi xách, ô dù; áo ngực phụ nữ và quần áo trẻ em từ sợi tổng hợp. Các doanh nghiệp dệt may nên nghiên cứu 3 nhóm hàng này để tận dụng phát triển.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết thêm, các doanh nghiệp không nên quá lo ngại các tập đoàn lớn vào chúng ta để chiếm hết thị phần bởi các tập đoàn này chỉ nhằm vào những nguồn hàng đơn giản như sơ mi nam và các loại sợi đơn giản, bởi họ không có thị trường trong khi Việt Nam chuyên làm những mặt hàng phức tạp như áo jacket…
Còn theo ông Vũ Huy Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đam San, để đáp ứng quy tắc xuất xứ về TPP thì chúng ta cần đầu tư vào ngành dệt và ngành tẩy nhuộm. Trong thực tế, ngành dệt còn đầu tư thô sơ và lạc hậu, trong khi Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản xuất sợi. Do đó, Việt Nam cần đầu tư vào dệt, kết hợp ngành may với ngành dệt để phát triển, đây là cách nhanh mà không cần ngoại tệ. Hơn nữa, máy móc hiện đa số lỗi thời, không có năng suất, do đó cần sự đầu tư về máy móc bài bản, hiện đại.
Cùng với các giải pháp nâng cao sản xuất, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, điểm yếu của ta là việc liên kết giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường xuất khẩu sang trung gian nên phải dùng nguồn nguyên vật liệu theo chỉ định của khách hàng. Và khách hàng lớn cũng chỉ định dùng dịch vụ logistics của hãng tàu biển nước ngoài… Các doanh nghiệp nước ngoài gắn kết rất chặt chẽ với nhau, thậm chí bắt tay nhau để nâng giá và gây khó cho doanh nghiệp Việt. Vì thế, dưới sức ép của TPP, môi trường kinh doanh phải được cải thiện hơn và những điểm yếu trên cần được khắc phục.