Ngày 19/4, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã tống đạt cáo trạng vụ án Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, VKSND tối cao truy tố 54 bị can ra trước Tòa án nhân dân TP Hà Nội để xét xử về các tội danh trên.
Trong số 54 bị can nói trên, có ông Tô Anh Dũng - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Quang Linh - nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng; Nguyễn Thị Hương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên - cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên;...
Theo cáo trạng, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch.
Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Thực hiện chủ trương này, quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ hơn 164 tỷ đồng. Các đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng; 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 24 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Hương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao được giao quản lý, phụ trách chung toàn bộ công việc thực hiện chuyến bay. Bị can Hương trực tiếp báo cáo Tô Anh Dũng - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao duyệt, ký công văn gửi Tổ 4 Bộ/5 Bộ về việc đề xuất cho các doanh nghiệp tham gia tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.
Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, 8 cá nhân đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ và được bà Lan đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ trong việc cấp phép chuyến bay. Trong quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, bà Nguyễn Thị Hương Lan đã nhiều lần nhận tiền của các doanh nghiệp.
Cụ thể, khoảng tháng 5/2020, Hoàng Diệu Mơ - Giám đốc Công ty An Bình được ông Tô Anh Dũng giới thiệu đến gặp, đặt vấn đề và được bà Lan đồng ý giúp đỡ nhóm công ty này được cấp phép các chuyến bay. Trong quá trình giải quyết cấp phép 66 chuyến bay, bà Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận 11 lần, tổng số 13,2 tỷ đồng của Hoàng Diệu Mơ.
Tuy nhiên, bà Lan khai chỉ nhận 1 lần 200 triệu đồng vào ngày 2/12/2021 tại phòng làm việc của mình. Căn cứ lời khai của ông Tô Anh Dũng, Hoàng Diệu Mơ, lời khai của các nhân viên Công ty An Bình và tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, xác định bà Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ 11 lần, số tiền 13,2 tỷ đồng của Hoàng Diệu Mơ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương Lan tiếp tục bị cáo buộc nhận hối lộ 4 lần, với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng của Nguyễn Thị Tường Vy - Giám đốc Công ty ATA; 2 lần nhận 20.000 USD của Lê Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty Nhật Minh; 3 lần nhận hối lộ 55.000 USD của Trần Thị Mai Xa - Giám đốc Công ty Masterlife; 8 lần nhận 5,9 tỷ đồng của Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky; nhận của Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty Vitrato 50.000 USD; nhận của Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt 200 triệu đồng; 2 lần nhận của Vũ Minh Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thuận An 600 triệu đồng.
Khai tại cơ quan điều tra, bà Nguyễn Thị Hương Lan không thừa nhận hoặc chỉ thừa nhận nhận số tiền thấp hơn nhiều so với cáo buộc hay chỉ nhận hiện vật. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cho biết, căn cứ vào lời khai của những người liên quan, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, xác định bị can đã nhận số tiền hối lộ như liệt kê nói trên.
Cáo trạng xác định, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, bà Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ 32 lần của 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp, tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng. Ngày 17/4, gia đình bị can đã nộp 900 triệu đồng để khắc phục hậu quả.