Ảnh minh họa. Nguồn: internet |
Trong thời gian tới,ộtrìnhcắtgiảmthuếquantrongcátỷ số tỷ số Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán 4 FTA gồm Hiệp định Việt Nam - EU, Việt Nam - Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc ký kết các hiệp định này sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường khu vực và thế giới, nhưng đi cùng với đó là những thách thức không nhỏ mà Việt Nam cần phải vượt qua để tận dụng lợi thế từ các FTA.
Lộ trình cắt giảm thuế quan
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 FTA song phương và đa phương, trong đó có 2 Hiệp định mới ký kết trong tháng 5/2015 là FTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (VCUFTA) gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan.
Các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia trước đây chủ yếu là thông qua Hiệp định giữa ASEAN và đối tác ngoài ASEAN. Do vậy, quá trình tham gia của Việt Nam trong đàm phán được hình thành dựa trên sự đồng thuận của ASEAN nên mức độ cam kết của ASEAN có sự dung hòa với các nước có trình độ phát triển thấp hơn trong ASEAN.
Đến giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã chủ động hơn khi tham gia các hiệp định thương mại song phương, theo đó, các FTA mà Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết có mức độ cam kết sâu hơn, phạm vi rộng, nội dung vượt ra ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và đầu tư, bao gồm cả các thể chế, pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ…
Lộ trình cắt giảm thuế quan trong các FTA đều được cam kết thực hiện trong vòng 10 năm cho từng giai đoạn và được quy định cụ thể đối với từng hiệp định.
Hiệp định Thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA)
Thực hiện cam kết ATIGA, Việt Nam đã cắt giảm 6.897 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống thuế suất 0% tính đến cuối năm 2014.
Từ ngày 01/01/2015, đã có thêm 1.706 dòng thuế được cắt giảm từ 5% xuống thuế suất 0%. Số còn lại gồm 669 dòng thuế (chiếm 7% tổng Biểu thuế), sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018, bao gồm ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa…
Diện mặt hàng không phải xóa bỏ thuế nhập khẩu (duy trì thuế suất MFN) gồm thuốc lá điếu, các mặt hàng an ninh quốc phòng như thuốc nổ, súng đạn, pháo hoa, rác thải y tế…
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)
Thực hiện cam kết ACFTA, từ ngày 01/01/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 3.691 dòng thuế xuống 0% so với năm 2014 (nâng số dòng thuế cắt giảm về 0% là 7.983 dòng, chiếm 84,11% tổng Biểu thuế), tập trung vào các nhóm mặt hàng chất dẻo và chất dẻo nguyên liệu, đồ nội thất và các sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, máy vi tính và các sản phẩm linh kiện điện tử, vải may mặc, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, sản phẩm dệt may và một số sản phẩm sắt thép.
Từ ngày 01/01/2018, sẽ có thêm 588 dòng thuế cắt giảm xuống 0%, nâng số dòng thuế cắt giảm về 0% lên 8.571 dòng, chiếm 90,3% tổng Biểu thuế, gồm một số mặt hàng chế phẩm từ thịt, chế phẩm từ rau quả, ngũ cốc, động cơ điện, hàng gia dụng, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng, nhựa, cao su, giấy...
Đến năm 2020, có khoảng 475 dòng thuế nhạy cảm được cắt giảm xuống 5% gồm các sản phẩm sắt thép, cáp điện, sản phẩm điện gia dụng; các sản phẩm cao su, gốm sứ, giấy, xi măng, nhựa và các sản phẩm công nghiệp khác; các chế phẩm nông nghiệp đã qua chế biến; một số dòng xe tải và xe chuyên dụng…
Về phía Trung Quốc, đến năm 2015, có 7.845 dòng thuế cắt giảm về 0%, chiếm 95,35% tổng số dòng thuế và 91,59% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Thuế suất trung bình của Biểu thuế Trung Quốc dành cho ASEAN giai đoạn 2015 - 2017 là 0,73%/năm và năm 2018 là 0,56%/năm.
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA)
Việt Nam tham gia AKFTA từ năm 2005 và bắt đầu thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu từ năm 2007. Về phía Việt Nam, từ năm 2015, Việt Nam xóa bỏ thuế quan đối với 7.366 dòng thuế (chiếm 77,6% tổng số dòng thuế) tập trung vào một số sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm nông nghiệp, máy móc thiết bị phụ tùng, dệt may, thủy sản, giấy, hóa chất, sản phẩm từ sắt thép và kim loại cơ bản…
Đến năm 2018, tổng số dòng thuế phải xóa bỏ thuế quan là 8.184 (chiếm khoảng 86% tổng số dòng thuế). Ngoài các dòng thuế đã được xóa bỏ thuế quan vào năm 2018, dự kiến khoảng 620 dòng thuế sẽ được giảm thuế về 5% (tập trung vào một số nhóm như điện tử, cơ khí, sắt thép và kim loại cơ bản, sản phẩm hóa dầu, phụ tùng máy móc, một số mặt hàng ô tô đặc chủng và chuyên dụng…).
Về phía Hàn Quốc, đã hoàn tất việc xóa bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết trong AKFTA từ năm 2010. Tính đến năm 2015, 90,9% hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ được hưởng thuế suất 0% nếu có chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Các nhóm mặt hàng Hàn Quốc không cam kết hoặc chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu vào cuối lộ trình (năm 2021) chủ yếu gồm một số loại thủy sản (tôm, cua, cá đông lạnh, đóng hộp), nông sản (chế phẩm từ sữa, mật ong, tỏi, gừng, đậu đỏ, khoai lang), hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, sản phẩm cơ khí...
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)
Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 8.231 dòng thuế (chiếm 88,6% tổng Biểu) trong vòng 16 năm. Năm 2015, có 2.874 số dòng thuế có thuế suất 0% (tương đương với 30% tổng Biểu thuế).
Đến năm 2018, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 62,2% số dòng thuế, tập trung vào các nhóm mặt hàng như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, sản phẩm tân dược. Đến năm 2025, Việt Nam cam kết xóa bỏ thêm 26,4% số dòng thuế, nâng tổng số dòng thuế về 0% lên 88,6% tổng Biểu.
Về phía Nhật Bản, tính tới thời điểm ngày 01/4/2015, đã xóa bỏ thuế quan đối với 923 dòng các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam. Đến năm 2019, sẽ có thêm 338 dòng thuế nông nghiệp khác sẽ được xóa bỏ thuế.
Đến cuối lộ trình vào năm 2026, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 96,45% tổng số các dòng thuế đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các nhóm nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giầy dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử…
Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)
Tính đến thời điểm ngày 01/4/2015, Việt Nam đã xóa bỏ 32,92% các dòng thuế trong VJEPA. Năm 2018, số dòng thuế cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% của Việt Nam sẽ chiếm 41,78% tổng Biểu thuế.
Đến năm 2026, năm cuối của lộ trình giảm thuế, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 90,64% số dòng thuế.
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Úc - Niu-Di-Lân (AANZFTA)
Thực hiện cam kết AANZFTA, năm 2015, Việt Nam xóa bỏ thuế quan đối với 2.666 dòng thuế (chiếm 28,1% Biểu thuế), tập trung vào nhóm các mặt hàng ngũ cốc, gỗ, rau quả, thủy sản, bông các loại, chất dẻo nguyên liệu, gốm, sứ, nguyên liệu dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy…
Đến năm 2018, có 8.127 dòng thuế được xóa bỏ thuế quan (chiếm 86% Biểu thuế) và đến cuối lộ trình (năm 2022) sẽ xóa bỏ thuế quan 8.669 dòng thuế (chiếm 92% Biểu thuế).
Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)
Việt Nam cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào năm 2021 (71% số dòng thuế vào năm 2018 và 9% số dòng thuế vào năm 2021), 10% số dòng thuế còn lại cắt giảm vào cuối lộ trình (năm 2024).
Ấn Độ cam kết xóa bỏ 80% số dòng thuế vào năm 2016 (71% số dòng thuế vào năm 2013 và thêm 9% số dòng thuế vào năm 2016), 10% số dòng thuế hoàn thành cắt giảm một phần thuế suất vào năm 2019, danh mục loại trừ chiếm khoảng 10% số dòng thuế.
Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Chi-lê (VCFTA)
Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 87,8% số dòng thuế (chiếm 91,22% kim ngạch nhập khẩu từ Chi-lê năm 2007). Trong vòng 15 năm, dự kiến lộ trình cuối cùng vào năm 2029, số dòng thuế không cam kết của Việt Nam hoặc chỉ cam kết cắt giảm một phần chiếm 12,2%, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, xăng dầu…
Chi-lê có mức độ mở cửa lớn hơn đối với hàng hóa của Việt Nam. Theo đó, 83,54% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi VCFTA có hiệu lực, chiếm 81,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi-lê năm 2007.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế ngay và nhanh từ mức 6% hiện tại là dệt may, thủy sản, cà phê, chè, máy tính và linh kiện.
Đến năm 2029, Chi-lê sẽ xóa bỏ hầu hết các dòng hàng từ Việt Nam, chiếm 99,62% Biểu thuế và tương đương với 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chi-lê năm 2007.
Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)
VKFTA được chính thức ký kết ngày 05/5/2015 tại Hà Nội. Trên nền cam kết ASEAN - Hàn Quốc, cam kết của Việt Nam trong VKFTA bổ sung thêm 265 mặt hàng, có kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc là 917 triệu USD. Danh mục này bao gồm các nhóm hàng như nguyên phụ liệu dệt, may; nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện…
Cam kết của Hàn Quốc bao gồm 506 mặt hàng trong đó có 4 mặt hàng có thuế suất MFN hiện hành là 0%. Hàn Quốc đã cam kết dành cho Việt Nam ưu đãi xóa bỏ thuế quan và mở hạn ngạch đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản (tôm, cua, cá đông lạnh, đóng hộp), nông sản, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí…
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (trước đây gọi là Liên minh Hải quan) gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan (VCUFTA)
VCUFTA được chính thức ký kết vào ngày 29/5/2015 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2016. Việt Nam cam kết mở cửa thị trường khoảng 90% số dòng thuế với lộ trình trong vòng 10 năm.
Theo đó, xóa bỏ thuế ngay đối với một số mặt hàng nông sản (thịt bò, sản phẩm sữa, bột mỳ); mở cửa có lộ trình 3 - 5 năm đối với thịt, cá chế biến, máy móc thiết bị điện, máy dùng trong nông nghiệp; 5 năm đối với thịt gà, thịt lợn; 10 năm đối với một số loại rượu bia, ô tô; thuế nhập khẩu xăng dầu không xóa bỏ sớm hơn năm 2027. Sắt thép có lộ trình xóa bỏ 0 - 5 - 7 - 10 năm.
Liên minh kinh tế Á - Âu cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với khoảng 53% tổng số dòng thuế, tập trung vào các nhóm mặt hàng nông - lâm - thủy sản bao gồm phần lớn các mặt hàng thủy sản, một số loại rau quả tươi và rau quả đã chế biến, thịt - cá chế biến, ngũ cốc, gạo (hạn ngạch thuế quan tượng trưng là 10.000 tấn); một số mặt hàng công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như dệt may (trong hạn ngạch) và nguyên phụ liệu dệt may, da giầy (đặc biệt là giầy thể dục), máy móc, linh kiện điện tử và một số loại dược phẩm, sắt thép, sản phẩm cao su, gỗ và đồ nội thất…
Hội nhập giúp tăng cường cạnh tranh và thúc đẩy cải cách
Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA song phương và đa phương nói riêng, cơ hội và thách thức sẽ chia đều cho tất cả các bên, sẽ có những tác động hai chiều đối với mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, trong những năm qua, chính sách mở cửa hội nhập, tham gia vào các FTA đã góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách, đổi mới, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Hiện tại, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, khu vực tư nhân có quy mô nhỏ nên còn nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ.
Bên cạnh đó, các ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sức cạnh tranh về chất lượng, giá cả của hàng nhập khẩu và những thách thức nội tại khác như thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ. Hơn nữa, các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nhất là đối với một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giầy, lắp ráp ô tô xe máy…
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam cũng không ít. Các yêu cầu và cam kết hội nhập sẽ là đòn bẩy để Việt Nam thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều sâu, hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững.
Đối với doanh nghiệp, cơ hội to lớn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình cải cách, sắp xếp lại, chủ động chuyển hướng đầu tư, nâng cao trình độ kinh doanh, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.