(CMO) Nhìn cơ ngơi hiện nay, ít ai ngờ rằng, 30 năm trước, chàng thanh niên Lê Quốc Vương lập nghiệp trong điều kiện khó khăn. Lúc đó, do gia đình nghèo, đông anh em, việc học đại học là điều Vương chưa từng nghĩ đến. "Tốt nghiệp lớp 12, khi đang lưỡng lự chọn nghề để học, nhớ thầy dạy tôi lớp 12 có nói: "Em học giỏi môn Vật lý, nếu có điều kiện, sau này em nên học về điện", tôi quyết định ra Cà Mau học sửa điện tử", anh Vương bộc bạch.
Những ngày đầu mới ra Cà Mau, Quốc Vương ở nhờ nhà bạn. Thấy Vương hiền lành, chất phác, ngoài thời gian đi học còn biết phụ giúp việc nhà nên gia đình bạn xem Quốc Vương như con cháu trong nhà, cho Vương ở miễn phí đến khi học xong.
Trong quá trình học, vốn tính cẩn thận, chịu khó tìm tòi và sáng dạ, qua vài tháng, Vương đã vượt trội hơn những người học trước đó cả năm.
Ngoài nghề sửa điện tử, anh Vương còn mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi ở ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải. |
"Người ta học hết giờ về, tôi thì ở lại. Tôi ở lại vào những thời điểm đông khách để thầy giao cho mình sửa phụ, điều gì không hiểu mình có thể hỏi trực tiếp thầy. Nhiều lần thầy thử thách tôi, giao cho những máy móc hư hỏng nặng, nhưng tôi vẫn kiên trì sửa, có khi mài mò mất đến nửa tháng trời nhưng tôi vẫn quyết tâm sửa cho bằng được", anh Vương nhớ lại. Sau 1 năm rưỡi, Quốc Vương ra nghề.
Do muốn vươn xa hơn trên con đường đã chọn, sau khi học xong ở Cà Mau, Vương quyết định đăng ký học thêm khoá lý thuyết về điện tử tại TP Cần Thơ. Sau khi học xong, anh Vương về quê, kết hôn với chị Đinh Thị Trang và gầy dựng cơ nghiệp.
Lúc đầu, chưa có nhà cửa, vợ chồng anh được người chị ruột của anh cho mượn mặt tiền phía trước nhà 1 bên mở tiệm sửa điện tử nhỏ, quay phim, chụp hình cưới, còn một bên mở tiệm uốn tóc. Sau 1 năm, vợ chồng anh tích góp được ít tiền sang đất nền nhà với giá rẻ tại ấp Trùm Thuật A, cất nhà ra ở riêng.
Bao tâm huyết bỏ ra cho việc học của anh Vương cuối cùng đã được phát huy khi năm 2001, điện được hạ thế phủ khắp xã Khánh Hải, anh quyết định mở cửa hàng mua bán các mặt hàng điện tử. Lúc đầu chưa có vốn, anh mở cửa hàng nhỏ. Do mua bán có uy tín cộng thêm kiến thức vững về sửa chữa điện tử nên khách hàng ngày một đông, thu nhập tăng, anh sang thêm đất, mở rộng kinh doanh đa dạng các mặt hàng điện máy và nhận học trò đào tạo nghề sửa chữa điện tử.
Năm 2016, vợ chồng anh Vương nhận làm đại lý độc quyền cho một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tiếp đó, mở thêm đại lý bán gạo, gas và sở hữu 1 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai. Anh Vương tạo việc làm cho khoảng 10 lao động có việc làm ổn định.
Đã từng nghèo và luôn nhớ thuở hàn vi nên anh Vương hay làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo khó.
Bà Trần Thị Lợi, 83 tuổi, ngụ ấp Bảy Ghe, xã Khánh Hải, xúc động nói: "Hồi đó, tui ở một mình trong căn chòi phía dưới mé sông. Vương nó đi qua đi lại mấy lần, hỏi thăm tui, rồi hứa sẽ vận động cho tui cất lại căn nhà. Mấy tháng sau, nó cho tol, vận động mấy người cho cột, cho cửa cất lại căn nhà này. Vợ Vương cho gạo tui ăn hoài, mỗi năm nó còn cho tui 2 bộ quần áo. Ngày nào tui đi bán bông súng ngang nhà nó, thấy tui còn bao nhiêu bông súng là nó mua hết bấy nhiêu. Vợ chồng thằng Vương tốt dữ lắm".
Anh Vương cùng người chị ruột còn chung tay xây dựng cầu nông thôn nối liền 2 bờ kinh khu vực chợ ấp Trùm Thuật A. Rồi anh vận động các nhà hảo tâm cùng với mình sửa nhà cho một số hộ nghèo, hộ khó khăn trong xã; giúp đỡ tiền bạc, gạo cho những hoàn cảnh nghèo, neo đơn, ốm đau, bệnh tật…
Ghi nhận những đóng góp của Lê Quốc Vương, các cấp hội nông dân tặng anh nhiều giấy khen. Đặc biệt, năm 2016, anh được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016. “Anh Vương rất nhiệt tình trong công tác hội, công tác từ thiện; hằng năm, anh giúp đỡ bằng tiền và vật chất cho rất nhiều hội viên nghèo vượt qua khó khăn", ông Hồng Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hải, nhận xét./.
Kiều Oanh