Em Điểu Moi,vua phá lưới laliga hiện đang là học sinh lớp 7A3, trường THCS Phước Minh. Là con út trong gia đình có 7 người con, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó Điểu Moi còn hay bị bệnh, nhà lại cách trường tới 12 km nên việc đi lại, học hành càng khó khăn hơn.
Chúng tôi cùng giáo viên chủ nhiệm lớp và cô tổng phụ trách Đội trực tiếp đến nhà Điểu Moi ngay khi em đã bỏ thi ngày đầu tiên học kỳ I, tặng em phần học bổng nhỏ, vận động em ra lớp lại. Điểu Moi khẳng định với chúng tôi sẽ ra lớp không bỏ thi. Trong lúc đó, bố mẹ em còn loay hoay việc ai sẽ chở Moi ra lớp, ai sẽ đi làm thuê kiếm tiền mưu sinh trong lúc giáp hạt (?!).
Cô tổng phụ trách Lê Thị Hoài Thương và thầy Hà Văn Viễn, cán bộ phổ cập giáo dục Trường THCS Phước Minh cùng Phó chủ tịch Hội LHTN huyện Phạm Thị Thanh Tú đến tận nhà vận động Điểu Moi đi thi trở lại
Tiếp tục cùng các thầy cô vận động học sinh ra lớp, chúng tôi có mặt tại điểm Trường Tiểu học Bình Giai, cách điểm chính Tiểu học Lê Lợi, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập 15km. Điểm trường Bình Giai hiện duy trì 9 lớp với 176 học sinh. 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là lần thứ 3, đoàn đến nhà em Điểu Xơ, học sinh lớp 3A5 để vận động. Lần này em không bỏ trốn vì đang được bố đưa đi khám bệnh. Và việc trở lại lớp vẫn là dấu hỏi lớn khi mẹ em cho biết: “Bố mẹ nói mà Điểu Xơ có nghe đâu!”.
Thầy Phạm Xuân Thuyết, Phó hiệu trưởng phụ trách điểm trường Bình Giai cùng cô chủ nhiệm Đoàn Võ Trâm Anh vẫn kiên trì đến vận động em Điểu Xơ trở lại trường
Em Điểu Khương, học sinh lớp 6A5, Trường THCS Phước Minh, là 1 trong 7 người con của gia đình anh Điểu Út. Điểu Khương cũng đã được các mạnh thường quân trao học bổng đầu năm học, tặng xe đạp nhưng với khoảng cách từ nhà đến trường 7km, Điểu Khương không thể tự đi xe đạp, mà phải nhờ chị hoặc bố chở đi nên em cũng thường xuyên vắng mặt trên lớp.
Em Điểu Khương và bố là Điểu Út cùng với lời hứa chưa thể rõ ràng về ngày mai liệu có tiếp tục ra lớp cùng các bạn
Còn với Trường THCS và THPT Đắk Mai, trong tổng số 547 học sinh của trường có gần 72% học sinh dân tộc thiểu số. Trường cũng gặp bài toán nan giải về việc duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Em Điểu Linh (sinh năm 2005), học sinh lớp 10A2, Trường THCS và THPT Đắk Mai từ 2 tháng nay thường xuyên đi phụ rẫy làm bồn tưới cà phê cùng cha mẹ. Là con đầu trong gia đình, việc học của Điểu Linh ngày càng khó hơn khi gánh nặng mưu sinh dồn lên vai em.
Điểu Linh và thầy chủ nhiệm Lê Công Nhiên gấp rút soạn sách vở để chiều em vào thi học kỳ
Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội huyện Giang Phương Bằng, người cán bộ đoàn luôn đau đáu với câu chuyện làm thế nào để duy trì tỷ lệ ra lớp chuyên cần của các em, nhất là học sinh dân tộc thiểu số. Tâm sự với chúng tôi, chị cho biết: “Huyện đoàn nhiều năm nay đã duy trì kết nối các mạnh thường quân trao tặng hàng ngàn phần quà, suất học bổng giá trị cho học sinh dịp khai giảng, trong năm học để tiếp thêm động lực cho các em đến trường”.
Các em học sinh Trường THCS và THPT Đắk Mai
Một tiết học của các học sinh Trường THCS và THPT Đắk Mai
Hành trình “gieo chữ” nơi vùng biên Bù Gia Mập tuy gặp nhiều gian nan song các cấp ngành, các thầy cô giáo chưa ai nản lòng vì công việc. Hằng ngày, họ vẫn phải bám thôn làng để làm công tác vận động học sinh đến trường đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ với những nỗ lực cá nhân của những người giáo viên tâm huyết, các cán bộ đoàn nhiệt tâm là chưa đủ mà bản thân các gia đình có con em trong độ tuổi đến trường phải thấy được sự cấp thiết, cần thiết của việc học, tiếp nhận kiến thức một cách chủ động. Khi đó tình trạng dở dang việc học hành của con trẻ sẽ giảm xuống và hành trình đến với con chữ sẽ không còn phải nhọc nhằn nữa.