Chi đầu tư giảm 5,2%
Nhắc đến kỷ luật, kỷ cương, nhiều phóng viên bày tỏ mối quan tâm đến việc lãng phí trong chi tiêu NSNN. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra trong các phiên họp của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.
Thực tế, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự toán chi NSNN năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%.
Theo thông lệ, những tháng đầu năm chi đầu tư phát triển thường chậm (do các bộ, ngành, địa phương đang trong quá trình triển khai phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời ảnh hưởng của Tết Nguyên đán); chi thường xuyên (thanh toán lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội và chi phục vụ hoạt động của các cơ quan đơn vị...) tương đối đều trong năm; chi trả nợ lãi theo tiến độ của các khoản nợ đến hạn.
Qua kết quả thực hiện 4 tháng, diễn biến chi thường xuyên đạt 32,1%, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước là phù hợp với dự toán và thực tế triển khai nhiệm vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Trong thực tế, cơ cấu chi thường xuyên, chi hoạt động các cơ quan QLNN, đảng, đoàn thể chiếm khoảng 14,47%, còn lại là chi phát triển các sự nghiệp y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đây là các lĩnh vực chi ưu tiên theo Nghị quyết của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, tiến độ chi đầu tư phát triển 4 tháng đạt 16,3% dự toán, giảm 5,2% so cùng kỳ là vấn đề đáng lo ngại, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tiết kiệm 51.401 tỷ đồng
Trả lời vấn đề làm thế nào ngăn chặn lãng phí trong chi NSNN, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết: Vừa qua Quốc hội đã ban hành Luật NSNN, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị trong quản lý ngân sách. Về cơ bản, tình hình đã có những chuyển biến tích cực.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả tích cực.
Trước hết, về mặt pháp luật ngày càng được hoàn thiện hơn, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết, cho ý kiến đối với 09 dự án khác; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành 1.105 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền địa phương đã ban hành 4.111 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh.
Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại DNNN 3.456 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo ông Hưng, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc.
Ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, thì còn do vấn đề về nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí NSNN, tài sản công.
Xu hướng trao quyền chủ động, tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý sử dụng NSNN và tài sản công sẽ tiếp tục được triển khai, nhưng đi kèm theo đó sẽ là yêu cầu trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giải trình cao hơn từ thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương và từng cán bộ, công chức trực tiếp có liên quan.
Đi kèm theo đó là vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan dân cử và của người dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Để tạo điều kiện cho việc giám sát, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn đã bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm thực hiện công khai NSNN, từ khâu dự toán, đến khâu tổ chức điều hành và quyết toán NSNN ở tất cả các cấp ngân sách và các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN.