【bch c1】Chia sẻ gánh nặng chi tiêu ngân sách cho y tế, giáo dục

chia se ganh nang chi tieu ngan sach cho y te giao duc

Chi cho giáo dục luôn chiếm trên 20% tổng chi NSNN hàng năm. Ảnh: Dương Ngân.

Chi luôn tăng

Bản Báo cáo Đánh giá chi tiêu công được Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu và công bố mới đây cho thấy thực trạng tỷ trọng chi tiêu cho hai ngành giáo dục, y tế đã vươn lên mức 19% và 9,5% tổng chi NSNN, trong khi, chi tiêu trong lĩnh vực giao thông và nông nghiệp chỉ ở mức 11% và 6%.

Cụ thể hơn, con số chi tiêu công cho giáo dục tăng nhanh trong thập kỷ qua, lên mức tương đương với các quốc gia láng giềng giàu có hơn. Chi tiêu công tăng từ 3,3% GDP và 15,1% tổng chi NSNN năm 2000 lên đến 5,9% và 20% vào năm 2012. Như vậy, Quyết định của Chính phủ về phân bổ ít nhất 20% tổng chi NSNN cho giáo dục đã hoàn thành. Nhìn thêm vào con số tổng dự toán chi NSNN giai đoạn 2011-2015 có thể thấy, chi cho giáo dục đạt khoảng 952.302 tỷ đồng. Tốc độ tăng chi bình quân giai đoạn này khoảng 15%/năm. Từ năm 2008 đến nay, mặc dù tỷ lệ cân đối NSNN cho giáo dục, đào tạo cơ bản ổn định ở mức 20% tổng chi, nhưng do hàng năm NSNN có sự tăng trưởng nên về số tuyệt đối thì mỗi năm lĩnh vực này được bổ sung thêm khoảng 15-20 nghìn tỷ đồng để chi cho các nhiệm vụ tăng thêm.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, tỷ lệ hoàn vốn giáo dục ở Việt Nam còn thấp, đặc biệt ở cấp giáo dục đại học. Trong khi đó, cơ chế phân bổ tài chính cho giáo dục cũng còn bất cập vì được phân cấp mạnh theo chiều dọc cho các địa phương và theo chiều ngang cho các bộ, ngành nhưng chưa có một cơ chế giám sát hiệu quả ở cấp Trung ương. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch ngân sách hàng năm cho toàn bộ ngành Giáo dục nhưng chỉ quản lý 5% tổng ngân sách cho giáo dục, phần còn lại 95% do các địa phương và các bộ, ngành khác quản lý. Điều đó dẫn đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo hầu như không có tác động gì tới chi tiêu ngân sách ở cấp địa phương.

Với y tế, nguồn tài chính cũng được cải thiện nhiều thời gian qua. Tỷ lệ tổng chi tiêu cho y tế so với GDP của Việt Nam hiện ở mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và cũng cao so với điều kiện thu nhập. Chi cho y tế của Chính phủ tăng mạnh, với mức tăng gần gấp đôi từ 40 nghìn tỷ đồng năm 2009 lên 70 nghìn tỷ đồng trong năm 2012. Từ 2005 - 2012, tỷ lệ chi tăng từ 1,6% lên 2,6% GDP. Tổng dự toán chi cho lĩnh vực này giai đoạn 2011-2015 khoảng 402,2 nghìn tỷ đồng; gấp 2,5 lần giai đoạn 2006-2010. Bên cạnh nguồn NSNN, Quỹ Bảo hiểm y tế cũng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn tài chính để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Năm 2005, chi khám bệnh, chữa bệnh từ Quỹ này là 3.203 tỷ đồng, năm 2010 là 19.081 tỷ đồng và năm 2015 đạt 45.551 tỷ đồng, tăng 14,2 lần so với 2005.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là ngân sách của Chính phủ chỉ chiếm khoảng một nửa tổng mức chi khiến tỷ lệ chi tiêu cho y tế từ tiền túi của người dân cao. Điều này là quan ngại lớn trong vấn đề chính sách công, đặc biệt là tác động đối với người nghèo. Trong tương lai, áp lực phải tiếp nhận những chi phí đó vào công quỹ có thể sẽ ngày càng lớn. Áp lực chi phí càng trở nên nghiêm trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn dân số già đi nhanh chóng.

Khuyến khích tự chủ

Để giảm gánh nặng tài chính của Nhà nước, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra một loạt các chính sách liên quan nhằm cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ, tăng thêm lựa chọn cho người dân. Gói cải cách trên cùng với từng bước tự chủ về tài chính đối với các trường học, bệnh viện sẽ vừa giảm gánh nặng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, vừa khuyến khích khu vực tư nhân tham gia các dịch vụ xã hội thiết yếu, còn người dân được hưởng lợi khi chất lượng dịch vụ tăng lên.

Từ 10 năm trước, các trường ngoài công lập đã phát triển nhanh chóng. Trong giai đoạn 2009 - 2012, có 425 dự án trường ngoài công lập với tổng vốn đầu tư khoảng 21 nghìn tỷ đồng (chiếm 16% đầu tư công toàn ngành Giáo dục). Trong lĩnh vực y tế, giai đoạn 2009 - 2014 có 883 dự án liên doanh (80% ở cấp địa phương) với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng (bằng 3% đầu tư công trong ngành). Ngoài ra, còn có 9 khoản vay trị giá 1,3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu dành xây dựng các bệnh viện mới. Với mục đích nâng cao vai trò của khu vực tư nhân, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu số giường bệnh do khu vực tư nhân cung cấp lên đến 20% vào năm 2020. Mặc dù còn khiêm tốn so với nhu cầu và quy mô, nhưng đó là những con số đáng khích lệ khi khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào 2 lĩnh vực thiết yếu của đời sống dân sinh.

Nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, Báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam đã khuyến nghị cần phải sửa đổi các cơ chế phân bổ ngân sách ở các cấp học trong ngành Giáo dục. Theo đó, cần xây dựng hướng dẫn về phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các địa phương, giúp các địa phương cải thiện hiệu quả và sự minh bạch trong từng cơ chế, đảm bảo tài chính cho các trường học ở từng địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế phân bổ tài chính theo hướng cạnh tranh và dựa trên hiệu quả hoạt động, để các trường đại học nâng cao giá trị gia tăng cho hoạt động giáo dục, giảng dạy, đáp ứng yêu cầu xã hội. Đối với lĩnh vực y tế, Nghị định 43/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã cho phép các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính. Các bệnh viện công lập hiện có thể huy động thu và giữ lại số thu. Tuy nhiên, đi kèm với tự chủ cần có cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình về hiệu quả hoạt động.

Đứng từ góc độ cơ quan quản lý, PGS. TS. Nguyễn Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, để giảm áp lực chi tiêu về y tế, giáo dục lên “vai” ngân sách, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở y tế, giáo dục là việc quan trọng cần tích cực triển khai. Để làm được, trước tiên, phải nâng cao nhận thức, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, quan điểm và nội dung đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công đối với các cấp Đảng ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể và nhân dân để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Bên cạnh đó, phía Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, từ nay đến cuối năm 2017, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp trong đó có giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và cơ sở y tế công lập; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục dịch vụ công sử dụng NSNN; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Đặc biệt, theo đại diện Bộ Tài chính, cơ quan này đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ trong giá một số dịch vụ sự nghiệp công quan trọng như y tế, giáo dục đại học,... Cùng với việc tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí, cơ quan quản lý sẽ hạn chế các tác động tiêu cực đến mặt bằng giá cả và lạm phát; đồng thời xây dựng các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tiếp cận được các dịch vụ công cơ bản khu thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ công.

Nguồn lực ngân sách luôn có hạn trong khi nhu cầu chi tiêu luôn cao, nên về cơ bản, trong thời gian tới phải thực hiện rốt ráo cơ chế tự chủ tài chính cũng như năng lực cho các trường học, bệnh viện, để y tế và giáo dục thực sự trở thành một loại hàng hóa đặc biệt, nâng cao chất lượng của cả bên cung lẫn bên cầu.