Những cam kết về lao động trong Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Tổng LĐLĐ Việt Nam nói chung, LĐLĐ tỉnh Cà Mau nói riêng. Theo những cam kết này, Việt Nam phải cho phép người lao động (NLĐ) làm việc trong một doanh nghiệp không có sự phân biệt, được thành lập tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ mà không phải xin phép trước.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau Châu Thành Tôn cho biết: "Đây là thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Nếu công đoàn hoạt động thật sự hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của NLĐ, nói lên được tiếng nói bức xúc của NLĐ, thì các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ gia nhập vào Tổng Liên đoàn, tạo thêm sức mạnh cho tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ngược lại, công đoàn hoạt động hời hợt, không hiệu quả, không đấu tranh cho quyền lợi của NLĐ thì các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ không gia nhập vào Công đoàn Việt Nam, mà họ tự liên kết lại để bảo vệ quyền lợi của NLĐ".
Tham gia vào TPP, NLĐ có quyền thành lập tổ chức của NLĐ để bảo vệ quyền lợi cho họ nếu tổ chức công đoàn hoạt động không hiệu quả. |
Theo ông Châu Thành Tôn, tổ chức của NLĐ chỉ tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Trong khi đó, hệ thống Công đoàn Việt Nam phải thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội nên nguồn lực bị phân tán, thiếu cơ chế chủ động trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng… Cho nên, nếu tổ chức công đoàn không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động thì rất dễ xảy ra tình trạng đoàn viên công đoàn từ Công đoàn Việt Nam sang tổ chức mới của NLĐ.
Đến năm 2018, Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực. Để chủ động thích ứng với những điều khoản đặt ra trong TPP, ngay từ bây giờ, Công đoàn tỉnh Cà Mau phải có bước đi trước, phải tự làm mới mình, đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên với cơ sở theo hướng từ chỉ đạo hành chính sang trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để cơ sở chủ động thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, cùng cơ sở giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc. Làm sao để NLĐ không cảm thấy phải lập thêm một tổ chức mới để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.
Với thế mạnh là xuất khẩu thuỷ sản nên khi gia nhập TPP, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau sẽ có lợi hơn khi hàng thuỷ sản xuất khẩu sang các nước thành viên sẽ không phải nộp thuế. Từ đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn nữa từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Còn đối với công nhân lao động, trong tỉnh có khoảng 30.000 công nhân lao động trong các công ty thuỷ sản. Số lượng công nhân không nhiều, hơn nữa, các công nhân đều được tuyên truyền, giáo dục nên có tác động từ TPP không lớn. Ông Châu Thành Tôn nhận định, khoảng 60% công đoàn các công ty thuỷ sản hoạt động tốt, 20% trung bình, 20% yếu kém. Ông Tôn cho rằng, công đoàn hoạt động hiệu quả hay không là do con người, mà trực tiếp là người lãnh đạo công đoàn, cho nên thời gian tới, công đoàn cấp trên phải cùng tham gia để hỗ trợ đẩy mạnh củng cố ban chấp hành, ban thường vụ ở các công đoàn cơ sở trung bình, yếu kém nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn ở các công ty, doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Hồng Phượng