Cây đước trở thành biểu tượng đặc trưng của người dân vùng ngập mặn Năm Căn. Trước đây, cây đước chỉ hữu ích là để làm cột dựng nhà, làm củi hầm than đốt, hay vót đũa đước, thì nay qua bàn tay của những người có đôi mắt thẩm mỹ, những thanh đước được lắp ráp trở thành chiếc võng đưa, vật trang trí trong nhà mang giá trị hơn, có thể đây sẽ là hướng mở cho sản phẩm du lịch Năm Căn ngoài đũa đước.
Về vùng Năm Căn - Ngọc Hiển gần như mỗi gia đình đều có chiếc võng đước. Chiếc võng lạ mắt hơn khi nó được lắp ráp mang nét tự nhiên, giống như món đồ trang trí mang tính thẩm mỹ nghiêng về nghệ thuật. Ðể có được chiếc võng chắc, đẹp, người thợ làm võng cũng phải có khiếu, hay góc nhìn thẩm mỹ để chọn những thân cây khi lắp ráp phải trở nên lạ mắt.
Duyên nghề
Ông Nguyễn Văn Việt đang làm giá võng. |
Ông Nguyễn Văn Việt, 57 tuổi, ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn là người sống với nghề làm gỗ đước hơn 20 năm, chia sẻ kinh nghiệm cho cây làm võng: “Phải chọn những cây có nhiều mắt, cây có dây cóc kèn đeo, cây có hình dáng ngoằn ngoèo chừng nào thì càng có vẻ đẹp tự nhiên. Mình lắp ráp và sửa lại chút ít theo ý là được. Làm võng đước không khó, chỉ khó là chọn cây và ý tưởng của mình mong muốn chiếc võng có hình thù gì mới là yếu tố quan trọng”.
Võng đước có chiếc trị giá 5-7 triệu đồng, có chiếc giá cao hơn chục triệu đồng. Gần như chiếc võng càng ngộ nghĩnh bằng những thanh gỗ tự nhiên thì có giá trị cao hơn. Trước tiên chọn những cây ngoằn ngoèo do lá cóc kèn hay các loại dây đeo bám, chọn những loại cây thuộc họ của đước như cây cóc, cây dà thì có độ bền hơn. Bên cạnh đó, cây phải có từ 7-10 năm tuổi trở lên hay những chang đước to để tạo nên các khung võng. Còn sườn võng cũng phải chọn những cây chắc chắn.
Làm võng hay sản phẩm nào khác cũng phải biết chọn cây từ ban đầu. Bà Lê Thị Út (vợ ông Việt) chia sẻ: “Làm nghề này vất vả lắm, nhưng đó là đam mê, chồng tôi truyền cho tôi nghề này nên hai vợ chồng gắn bó hơn 20 năm rồi. Trước đây, vợ chồng tôi mỗi lần làm võng hay sản phẩm nào thì tự vào rừng tìm cây đốn. Khi vào rừng mình càng có ý tưởng hơn, bởi giữa rừng, nhiều loại cây cho mình thêm ý tưởng về sản phẩm. Vào rừng đã là vất vả, đốn cây chuyển ra càng khó khăn hơn, nhiều lúc kiến vàng, kiến hôi cắn sưng cả người, có khi bị sốt. Vất vả là vậy nhưng khi làm ra sản phẩm, nhìn nó mình quên hết mệt nhọc, có khi để hoàn thành một sản phẩm, vợ chồng tôi thức trắng đêm”.
Mấy năm gần đây, lực lượng quản lý rừng không cho vào rừng nên vợ chồng ông Việt chủ yếu gia công. Tuy nhiên, cứ ai gọi có cây to, cây cổ thụ cần làm sản phẩm nào đó thì vợ chồng ông Việt lại chạy xe đến tìm đốn. Bởi, nếu không biết cách đốn thì sẽ làm mất đi hình dáng tự nhiên của cây. Có những cây mình cần cả bộ rễ, mà để lấy hết rễ thì những người có kinh nghiệm mới biết. Vì vậy, vợ chồng ông lại đào, cuốc cả tuần để có gốc cây ưng ý. Cứ thế, nghề làm gỗ dần gắn bó với vợ chồng ông Việt “từ khi mái tóc còn xanh cho đến điểm hoa râm”. Ông Việt cho biết, sẽ còn gắn bó tới cuối đời, bởi ông luôn mong mỏi cây đước Năm Căn vươn xa không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.
Bà Lê Thị Út (vợ ông Việt) giới thiệu thêm: Từ gốc, bộ rễ cây, ông Việt đã chạm thành hình Phật Di Lặc và nhiều món đồ vật khác. |
Nghề làm võng đước giúp vợ chồng ông Việt có cuộc sống ổn định hơn. Có khi với vợ chồng ông Việt nó là cái duyên, cái nợ bởi làm gỗ cần phải có sức khoẻ tốt và sự tự tìm tòi nghiên cứu. Khi làm gia công phải tư vấn cho người chủ về loại cây, hình dáng khi vào khung đẹp và bền. Lựa chọn võng đước cũng như những người nuôi chim hay trồng hoa kiểng, phải có đam mê, yêu thích và phải hiểu về hình dáng, cái nhìn về nghệ thuật.
Tương lai vươn xa
Khoảng 10 năm trở lại đây, người ta bắt đầu lựa chọn võng đước với kiểu dáng tự nhiên, vừa làm nơi ngã lưng, vừa là vật trang trí trong nhà. Hiện nay, sử dụng võng đước trở thành mốt của nhiều người. Ngoài ra, khách du lịch khi đến Năm Căn cũng muốn mang theo một món quà đặc trưng của Năm Căn. Từ đó, nghề làm võng đước ăn nên làm ra. Ông Nguyễn Văn Việt thông tin về bán võng đước cho khách du lịch: “Khách ở đây khắp nơi, từ Vũng Tàu hay Ðà Lạt, họ xuống Ðất Mũi du lịch, thấy tôi trưng bày bán thì ghé xem và mua. Do cồng kềnh nên thường gửi qua xe vận chuyển hàng đến nơi cho họ, vì vậy hàng làm ra bao nhiêu đều bán hết, nhờ nghề làm võng mà mấy năm nay vợ chồng tôi sống ổn”.
Hiện nay, một số quán cà phê võng ở huyện Năm Căn cũng nghĩ đến tính thẩm mỹ, vừa tạo không gian đặc trưng của vùng rừng đước, vừa quảng bá hình ảnh cây đước Năm Căn đến khách du lịch. Vì vậy, đầu tư võng đước tự nhiên để khách đến ngắm nhìn những đồ vật đơn sơ nhưng lạ mắt về cây đước vốn đặc trưng của quê hương Năm Căn. Không chỉ làm võng, cây đước hay một số loại cây bàng, cây mận, xà cừ, qua tư vấn của vợ chồng ông Việt, thì những cây gỗ trở thành những vật trang trí trong nhà lạ mắt, những con cá bằng gỗ, những bộ lục bình, tượng Phật bằng gỗ… được khắc chạm hết sức tinh vi.
Nhắc đến Năm Căn, người ta nhớ ngay cây đước. Cây đước bao đời qua chính là nguồn sống của bao thế hệ người dân ở đây về giá trị gỗ, than đốt, đũa đước. Ngày nay, thân đước, rễ đước người ta sử dụng để làm võng, làm cây máng nón, ghế ngồi hay vật trang trí trong gia đình. Quảng bá hợp lý hình ảnh cây đước qua từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Và nếu khai thác làm sản phẩm du lịch thì cây đước sẽ mang giá trị đặc biệt hơn. Ðó cũng là mong ước của ông Việt - người hơn 20 năm tìm tòi, sáng tạo ra nhiều sản phẩm thủ công từ cây đước./.
Bài và ảnh: Thiên Kim