Khơi dậy nội lực của phụ nữ
“Ðúng, trúng, phù hợp với thực tiễn” là phương châm triển khai các phong trào thi đua, các nhiệm vụ trọng tâm và những khâu đột phá của phụ nữ Phú Tân. Bà Phạm Lý Ba, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Tân, thông tin: “Toàn huyện có hơn 18.300 hội viên phụ nữ. Chị em bằng nhận thức mới, suy nghĩ mới và thông qua công việc, hành động thiết thực trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp vào đà phát triển chung của địa phương”.
Lấy ví dụ về cuộc vận động “5 không, 3 sạch” mà nay được nâng chất thành “5 có, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM và đô thị văn minh, bà Phạm Lý Ba chia sẻ: “NTM khó nhất hiện nay là ở tiêu chí môi trường, mà đạt được tiêu chí này thì đầu tiên phải nói về vai trò của lực lượng phụ nữ. Hiện tại, có 97% chị em hội viên được công nhận danh hiệu gia đình “5 không, 3 sạch”. Ở mỗi ấp, mỗi xã đều hình thành những mô hình kiểu mẫu, mà kết quả chính là diện mạo NTM ngày càng xanh - sạch - đẹp của huyện Phú Tân”.
Các cấp Hội Phụ nữ Phú Tân tham quan mô hình “5 không, 3 sạch” tiêu biểu của gia đình bà Huỳnh Thu Thảo, ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân.
Về ấp Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, sức sống và diện mạo NTM bừng sáng khắp làng quê. Bà Huỳnh Thu Thảo, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Cái Bát, khoe: “Ở quê mình thì trước giờ bà con cũng chú ý đến nền nếp ăn ở, sinh hoạt sao cho sạch sẽ, gọn gàng. Tuy nhiên, khi tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, chị em được chỉ dẫn thêm cách thức làm sao cho phù hợp, văn minh, tiến bộ hơn nữa. Dần dần trở thành thói quen, lề lối sinh hoạt chung của chị em địa phương. Cái lợi, sự thụ hưởng của “5 không, 3 sạch” là của chính bản thân mình, gia đình mình”.
Hội viên Võ Thị Lào, ấp Cái Bát chăm sóc vườn kiểng từ kiến thức học được khi tham gia sinh hoạt hội phụ nữ để làm đẹp không gian sống gia đình, góp phần điểm tô diện mạo NTM Tân Hưng Tây.
Nếp nhà ngăn nắp, hàng kiểng trước sân, luống hoa màu quanh nhà, ao cá, vườn dừa phía sau, với gia đình bà Thảo, không chỉ làm đẹp nhà, đẹp xóm mà còn là nguồn huê lợi đều đặn, góp phần vào sự ổn định của kinh tế gia đình. Từ việc phân loại, xử lý rác thải, bà Thảo còn tạo được nguồn phân hữu cơ để phục vụ việc trồng màu, chăm sóc hàng rào cây xanh, hoa kiểng. “Chỉ từ nguồn thu bán dừa tươi, dừa khô, nhà tôi mỗi tuần thu về khoảng 1 triệu đồng, đó là chưa kể việc bán thêm rau, cá nước ngọt. Còn thu nhập từ 2 ha vuông tôm thì coi như là phần tích luỹ để dành”, bà Thảo phấn khởi cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Bé Tám, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Cái Bát, tâm sự: “NTM là phải giàu lên, đẹp lên, trong đó vai trò của phụ nữ hết sức quan trọng. Ông bà mình dạy rồi, ngó người phụ nữ trong gia đình là biết nếp nhà đó ra sao, cho nên chị em rất nỗ lực, phấn đấu để xây dựng nếp sống văn minh. Cái hay nữa là sự đồng hành chia sẻ, giúp đỡ của chị em với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, vừa là tình cảm, vừa cầm tay chỉ việc, vừa góp vốn, góp sức, vậy nên toàn ấp hiện nay gần như xoá trắng hội viên phụ nữ khó khăn”.
Nghĩa tình chị em
Qua rà soát, tỷ lệ hội viên khó khăn của Phú Tân hiện còn dưới 0,5%. “Giúp đỡ chị em phải biết chính xác hoàn cảnh, nhu cầu, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực hỗ trợ”, bà Phạm Lý Ba nhấn mạnh.
Chị Lương Thuý Kiều, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Thứ Vải B, xã Tân Hưng Tây, vẫn còn rưng rưng vui mừng khi kể về việc nộp đơn thoát nghèo. Chị Kiều chia sẻ: “Tôi khuyết tật, làm mẹ đơn thân, không đất đai, không nghề nghiệp, cứ nghĩ cái nghèo, cái khổ đeo bám suốt đời. Nếu không có sự giúp đỡ của hội phụ nữ, của chính quyền địa phương thì tôi không có được cuộc sống ổn định như hiện giờ”.
Từ sự hỗ trợ, đồng hành nghĩa tình, thiết thực của hội phụ nữ, chị Lương Thuý Kiều, ấp Thứ Vải B, xã Tân Hưng Tây đã có cuộc sống ổn định từ nghề may, tự nguyện nộp đơn xin thoát nghèo.
Bằng sự sâu sát, nghĩa tình, trách nhiệm của tổ chức hội phụ nữ địa phương, chị Kiều được tham gia các lớp học nghề may. Khi thạo nghề, chị Kiều được hỗ trợ vốn vay phụ nữ để mướn chỗ mở cửa tiệm may của riêng mình. Với thu nhập bình quân 100 ngàn đồng/ngày, cuộc sống của chị Kiều dần được cải thiện. Cuối năm 2022, chị nộp đơn thoát nghèo trong niềm vui khó tả hết bằng lời.
Bà Phạm Lý Ba cho biết: “Toàn huyện đang quản lý 65 tổ vốn vay phụ nữ, đã giải ngân cho hơn 3.500 gia đình hội viên vay với số tiền gần 107 tỷ đồng. Phát huy nội lực, tinh thần chủ động trong phát triển kinh tế, giúp đỡ chị em khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, phát triển toàn diện với tinh thần “không một ai bị bỏ lại phía sau” là quyết tâm lớn của toàn thể phụ nữ Phú Tân”.
Trong định hướng lâu dài, phụ nữ Phú Tân đặt mục tiêu lớn hơn là phải làm sao xây dựng được đời sống kinh tế của hội viên giàu mạnh, bền vững. Kinh tế tập thể do hội viên phụ nữ làm chủ đang được hình thành, nhân rộng cả về số lượng, nâng lên về chất lượng. Hiện, Phú Tân đã có 2 hợp tác xã, 9 tổ hợp tác do chị em làm chủ, nhiều mô hình, sản phẩm đã tạo ra được giá trị cả về kinh tế, thương hiệu và uy tín trên thị trường tiêu thụ.
Những phong trào, cuộc vận động như “Xây dựng người phụ nữ Cà Mau thời đại mới có kiến thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc”; “Xây dựng người phụ nữ Phú Tân đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, đổi mới, khát vọng vươn lên” đã được hiện thực hoá bằng thực tiễn sinh động, thành tựu cụ thể tràn đầy khí thế của phụ nữ Phú Tân hôm nay./.
Phạm Hải Nguyên