Đây là đánh giá của công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) – SSI Retail Research đưa ra tại Báo cáo Cập nhật thị trường Tài chính Tiền tệ Việt Nam tháng 2/2018.
Kiều hối đạt kỷ lục 13,ốnngoạivàonhiềudựtrữngoạitệtăngmạhôm nay đá bóng81 tỷ USD
Theo báo cáo, thị trường tiền tệ hai tháng đầu năm 2018 là sự tiếp nối của năm 2017 với nhiều nhân tố vĩ mô được duy trì ở trạng thái tốt. Tỷ giá ổn định, lãi suất giữ ở mức thấp nhờ lạm phát được kiểm soát, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục xuất phát từ sự tăng trưởng ấn tượng của dòng vốn nước ngoài.
Yếu tố nổi bật trong thời gian qua là sự gia tăng của dòng vốn đầu tư gián tiếp, nổi lên từ cuối năm 2017 và tiếp tục có ảnh hưởng tích cực tới thị trường vào đầu năm 2018. Việc đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn DNNN không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách mà còn đem lại lượng ngoại tệ dồi dào. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh 45,1% so với cùng kỳ năm trước lên 6,2 tỷ USD trong năm 2017 và tiếp tục tăng 102,5% lên 1,25 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2018.
Giải ngân FDI ổn định với mức tăng 9,7% lên 1,7 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2018 và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ lượng vốn đăng ký mới và tăng vốn tăng mạnh 41,7% so với cùng kỳ năm trước lên 29,6 tỷ USD trong năm 2017.
Cán cân thương mại thặng dư trong cả 2 tháng đầu năm với tổng giá trị xuất siêu ước tính là 1,08 tỷ USD, một kết quả khá ấn tượng với 7 tháng xuất siêu trong 8 tháng kể từ tháng 7/2017.
Kiều hồi về Việt Nam cũng phục hồi mạnh trong năm 2017 sau một năm sụt giảm, đạt giá trị kỷ lục 13,81 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước và đưa Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia có kiều hối lớn nhất thế giới.
Ngoại tệ dồi dào, tỷ giá ổn định
Dòng vốn ngoại gia tăng đã tạo ra lượng cung ngoại tệ lớn, cộng hưởng với chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% và sự mất giá của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt đã giúp ổn định tỷ giá VND.
Chính bối cảnh ngoại tệ dư thừa và tỷ giá ổn định tiếp tục tạo điều kiện cho NHNN đẩy mạnh mua vào ngoại tệ tăng cường dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối gia tăng nhanh chóng từ mức 41 tỷ USD vào cuối năm 2016 lên 52 tỷ USD vào cuối năm 2017 và gần 60 tỷ USD chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018. So với giá trị nhập khẩu tháng 1 là 20 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đã tương đương 3 tháng nhập khẩu (13,3 tuần nhập khẩu), nhỉnh hơn mức khuyến nghị tối thiểu của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF).
Song song với việc mua vào ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đẩy ra một lượng lớn tiền đồng, nhờ vậy, mặc dù hai tháng đầu năm là thời gian cao điểm về hoạt động thanh toán, hệ thống ngân hàng vẫn duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào.
So với cùng kỳ các năm trước, hoạt động thị trường mở diễn ra khá trầm lắng trong những ngày cuối năm âm lịch. NHNN chỉ cho vay hơn 20 nghìn tỷ đồng bằng OMO trong khi khối lượng OMO những năm trước thường trên 100 nghìn tỷ. Sau Tết, thanh khoản trở lại dư thừa khiến NHNN nhanh chóng phát hành tín phiếu để hút về 80 nghìn tỷ đồng. Lãi suất liên ngân hàng thời điểm trước tết cũng tăng ít hơn cùng kỳ các năm trước và nhanh chóng quay trở về quỹ đạo bình thường.
Trạng thái dư thừa nguồn tiền cũng thể hiện trên thị trường trái phiếu. Các ngân hàng dư nguồn đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (TPCP). Hoạt động đấu thầu TPCP đã sôi động trở lại trong hai tháng đầu năm 2018 nhờ cầu trái phiếu tăng cao với giá trị đặt thầu cao gấp 4 lần giá trị chào thầu. Tỷ lệ trúng thầu đạt tới 93%, tương đương hơn 29 nghìn tỷ trái phiếu được phát hành, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý hơn, lãi suất trúng thầu giữ xu hướng giảm, và đặc biệt giảm mạnh sau Tết.
Rủi ro vốn ngoại đảo chiều
Đánh giá chung, báo cáo của SSI cho rằng tính đến cuối tháng 2, hầu hết các tín hiệu trên thị trường tiền tệ vẫn đang ở trạng thái tích cực. Lạm phát tăng nhanh trong 2 tháng đầu năm chưa có tác động đáng kể nào do kỳ vọng lạm phát trong những tháng tới sẽ ở mức thấp hoặc giảm. NHNN đang làm tốt nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ với việc sử dụng linh hoạt các công cụ điều tiết thị trường, tiếp tục hút lượng tiền dư thừa ra khỏi lưu thông. Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 ở mức 17% cũng là mức hợp lý.
Tuy nhiên, một rủi ro cần chú ý là dòng vốn ngoại có thể đảo chiều sau những diễn biến mới tại Mỹ liên quan đến cuộc chiến thương mại và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất nhanh hơn. Dòng vốn ngoại chảy vào thông qua nhiều kênh khác nhau đã tạo động lực tích cực cho nền kinh tế, hỗ trợ tỷ giá và thanh khoản hệ thống, và tạo cú hích không nhỏ cho thị trường chứng khoán. Nếu dòng vốn đảo chiều có thể tạo ra những tác động ngược lại. Tuy vậy, rủi ro này có thể được kiểm soát bởi nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều câu chuyện hấp dẫn để thu hút dòng vốn.
Bên cạnh đó, diễn biến thị trường giai đoạn này đang thể hiện sự liên thông với các yếu tố bên ngoài. Rủi ro về các cuộc chiến thương mại, lạm phát và lãi suất là những yếu tố cần theo dõi sát sao./.
H.Y