Rầy nâu bùng phát mạnh và còn nhiều tiềm ẩn,cá cược bóng đá anh nguy cơ dịch bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá phát sinh trong thời gian tới đang là nỗi lo của người trồng lúa trong lúc này.
Cán bộ khuyến nông huyện Long Mỹ đang tăng cường thăm đồng, kiểm tra mật số rầy nâu cùng nông dân xã Vĩnh Viễn. Ảnh: HỮU PHƯỚC
Mật số rầy nâu tăng cao
Những ngày này, về cánh đồng lúa tại ấp 3 và ấp 4, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tuy đợt rầy nâu di trú vừa kết thúc nhưng người dân nơi đây vẫn chưa hết lo lắng trước sự bùng phát của đợt rầy nâu được xem là nhiều nhất kể từ khi dịch hại này xuất hiện vào năm 2008 đến nay. Dẫn chúng tôi rảo quanh 4ha lúa (giống OM 5451) của gia đình bị rầy nâu tấn công nặng và đã được khống chế nhưng vẫn có một số chỗ bị cháy rầy cục bộ, ông Phạm Văn Chinh, nông dân ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, kể lại: “Tôi làm ruộng hơn 10 năm nay, đây là vụ lúa đầu tiên thấy rầy xuất hiện nhiều đến vậy. Từ khi phát hiện có rầy đến thời điểm được khống chế là khoảng 10 ngày, tôi phải xịt 3 lần thuốc đặc trị và tốn tiền mua thuốc hơn 7 triệu đồng. Xịt thuốc buổi sáng, buổi chiều vạch bụi lúa ra thấy dưới đất rầy chết dày đặc, nghe cán bộ khuyến nông nói mật số lên đến trên 5.000 con/m2”.
Cũng theo ông Chinh, vào thời điểm bùng phát rầy nâu thì cả cánh đồng nơi đây ruộng nào cũng bị nhiễm rầy với mật số cao, hộ nào cũng lo lắng và sốt sắng chạy mua thuốc về xịt rầy để bảo vệ cây lúa. “Tuy lứa rầy đã được tiêu diệt nhưng không biết tới đây lúa có bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hay không, vì ít nhiều cây lúa đã bị rầy chích hút”, ông Chinh cho biết trong lo lắng.
Chị Lê Ngọc Định, cán bộ bảo vệ thực vật xã Vĩnh Viễn, cho biết: “Trong tổng số 2.762ha lúa Hè thu vụ này trên địa bàn xã thì có hơn 400ha bị nhiễm rầy nâu với mật số trên 5.000 con/m2, diện tích còn lại cũng bị nhiễm nhưng mật số thấp hơn. Sau khi phát hiện có rầy, chúng tôi thường xuyên phối hợp với người dân tiến hành thăm đồng và hướng dẫn bà con cách phòng trị, nhờ vậy mà lứa rầy nâu di trú đã được khống chế kịp thời”.
Mấy ngày qua, rầy nâu không chỉ bùng phát và gây hại trên địa bàn xã Vĩnh Viễn mà còn bùng phát ở hầu hết các cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh, trong đó đã ghi nhận nhiều diện tích bị cháy rầy cục bộ với mật số từ 7.000-10.000 con/m2. Là một trong số hộ bị ảnh hưởng nặng với 1ha lúa bị cháy rầy ước thiệt hại khoảng 70% diện tích, mấy ngày qua, ông Trương Văn Mến, ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, ngày nào cũng ra ruộng thăm, chăm sóc mong cứu được số diện tích còn lại để gỡ gạc phần nào chi phí đã bỏ ra trong vụ này. Ông Mến thông tin: “Mới đầu chỉ thấy có 1, 2 con rầy, nghĩ rằng rầy di trú như mọi năm nên gia đình có chủ quan. Chừng 10 ngày sau thấy lúa đỏ hết mới đi mua thuốc trừ rầy về xịt, nhưng lúa bị rụi dần”.
Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh ghi nhận có 2.491ha lúa Hè thu bị nhiễm rầy nâu, mật số từ 750-10.000 con/m2, phân bố ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Trong đó đáng ngại là có 108ha nhiễm mật số cao từ 3.000-10.000 con/m2, đa số rầy nâu tuổi 4-5 và rầy trưởng thành đang mang trứng, gây hại hầu hết trên các trà lúa nhưng tập trung nhiều ở trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng, cá biệt có 2ha bị cháy rầy cục bộ ở huyện Vị Thủy.
Chủ động phòng trị
Trước tình hình rầy nâu còn nhiều tiềm ẩn, nhất là theo dự báo của ngành chức năng thì khả năng sẽ có lứa rầy cám xuất hiện trong vài ngày tới do trứng rầy vừa di trú đẻ và nở. Chính vì vậy, nông dân đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp phòng tránh nhằm hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá tấn công làm giảm năng suất khi thu hoạch. Anh Võ Văn Đượm, ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, cho biết: “Tuy lứa rầy di trú gây hại trên 1ha lúa của gia đình đã được tiêu diệt xong, nhưng những ngày qua tôi và bà con nơi đây đều đi thăm đồng để kiểm tra rầy nâu. Sợ trứng rầy đợt rồi đẻ và nở tạo thành rầy cám mà không phát hiện kịp thời sẽ dễ bị cháy rầy, khi đó bao vốn liếng đầu tư từ đầu vụ tới giờ coi như trắng tay thì khó khăn lắm”.
Cùng cảnh lúa bị rầy nâu di trú tấn công trong đợt vừa qua, nhưng 7 công lúa của ông Trịnh Thới Khởi, ở ấp 7, xã Vị Thắng, may mắn hơn khi lúa đã chuẩn bị thu hoạch nên không bị ảnh hưởng nhiều. Thế nhưng, những ngày qua, ông Khởi cũng như bà con nơi đây luôn chủ động phòng, trị rầy nâu. Ông Khởi chia sẻ: “Làm cật lực cả vụ, giờ gần đến ngày cắt mà tình hình rầy nâu như thế này cũng lo lắm. Để lúa không bị ảnh hưởng năng suất do rầy nâu, chỉ có cách là thường xuyên thăm đồng nhằm kịp thời phòng trị khi phát hiện mật số thấp”.
Theo thống kê mới đây, toàn huyện Vị Thủy có trên 1.600ha lúa bị sâu bệnh tấn công gây hại. Bà Trần Hồng Tim, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết: Tình hình thời tiết phức tạp, cực đoan làm cho sâu bệnh bộc phát mạnh, đặc biệt là rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện nhiều trên trà lúa Hè thu. Thời gian tới, ngành khuyến cáo bà con phải sắp xếp mùa vụ hợp lý, nhất là đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 1 tháng để cắt đứt mầm bệnh và tạo điều kiện cho đất phục hồi, hấp thu dinh dưỡng. Giải pháp trước mắt là đề nghị bà con thăm đồng thường xuyên ít nhất mỗi ngày một lần, khi thấy mật số rầy nâu vượt ngưỡng cho phép phải có biện pháp xử lý hợp lý. Nếu dùng thuốc hóa học thì nên áp dụng phương pháp 4 đúng.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Để giúp nông dân chủ động phòng trừ tốt rầy nâu, hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây hại sang vụ lúa Thu đông, chi cục đề nghị cán bộ bảo vệ thực vật các địa phương tăng cường phối hợp với nông dân thăm đồng, thường xuyên kiểm tra mật số rầy nâu gây hại, hướng dẫn nông dân ngay trên đồng về các biện pháp xử lý khi phát hiện có rầy. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống lúa Thu đông theo lịch né rầy, đảm bảo tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng…
Vụ lúa Hè thu 2017, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống gần 78.000ha, hiện đã thu hoạch hơn 15.000ha, diện tích còn lại trong giai đoạn làm đòng đến trổ - chín. Những diện tích nông dân thu hoạch trước đó, hiện bà con đã xuống giống vụ lúa Thu đông được hơn 5.000ha, đây là diện tích lúa dễ bị rầy nâu tấn công do di trú từ lúa Hè thu đang thu hoạch sang. |
HỮU PHƯỚC - THU HIỀN