Ùn tắc giao thông trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc TP HCM-LT-DG) đang khá căng thẳng (nhất là các dịp lễ, Tết và các ngày cuối tuần) trong khi nhiều vụ tai nạn cũng xảy ra gần đây trên tuyến đường này nhưng xem ra không được đơn vị quản lý quan tâm, nếu không muốn nói là ngó lơ... Đó là những gì bạn đọc phản ánh và nhờ Báo Người Lao Động làm rõ.
Ám ảnh kẹt xe cùng tai nạn
Theo ghi nhận, một trong những nguyên nhân dẫn tới kẹt xe trên cao tốc TP HCM-LT-DG xuất phát từ 2 đầu kết nối của tuyến đường này. Phía TP HCM, đầu cao tốc tại nút giao An Phú (quận 2) thường xuyên xảy ra ùn ứ, trong khi ở hướng ngược lại, phía tỉnh Đồng Nai là điểm giao với Quốc lộ 51, cũng bị tình trạng tương tự.
Nút giao An Phú là điểm giao cắt giữa các tuyến đường có lượng phương tiện rất cao là Mai Chí Thọ, Lương Định Của, Nguyễn Thị Định và đường dẫn lên cao tốc TP HCM-LT-DG. Khu vực này thường xuyên bị ùn ứ bởi mật độ xe lưu thông dày đặc, trong khi thời gian dừng chờ đèn đỏ tại đây cũng khá dài nên không chỉ riêng đường dẫn cao tốc mà cả những tuyến còn lại, dòng xe cũng phải xếp hàng, di chuyển chậm chạp. Trong đó, vào những ngày cuối tuần và đặc biệt là sau các dịp lễ, Tết, lượng xe tăng cao trở lại TP HCM khiến đầu đường cao tốc TP HCM-LT-DG tại khu vực này phải chịu cảnh kẹt xe nặng nề.
Đầu cao tốc phía Đồng Nai, tại điểm giao với Quốc lộ 51 cũng trong tình trạng tương tự. Khu vực này ngoài việc giao thông tổ chức chưa hợp lý còn do đường nhánh dẫn lên cao tốc khá hẹp, khiến lượng xe thường xuyên bị ùn ứ cục bộ. Hướng lưu thông từ Bà Rịa - Vũng Tàu rẽ trái vào đường cao tốc và hướng từ TP Biên Hòa đi Vũng Tàu liên tục bị xung đột tại vòng xoay Quốc lộ 51. Chưa kể, tại đây hiện triển khai hệ thống thu phí khép kín nên tài xế buộc phải dừng 2 lần trên một đoạn đường ngắn để nhận thẻ và trả thẻ, khiến tình hình ùn tắc giao thông càng trở nên căng thẳng. "Việc thu phí kín tại đây dù tài xế đã quen dần nhưng so với trước vẫn bất tiện và mất thời gian hơn. Thời gian gần đây, nhiều lần từ Quốc lộ 51 về TP HCM tôi mất cả giờ, trong khi bình thường chỉ tốn chừng 15-20 phút" - tài xế Nguyễn Văn Thắng nói.
Trong khi đó, cao tốc TP HCM-LT-DG được thiết kế với 3 làn đường, gồm 2 làn xe chạy và 1 làn dừng khẩn cấp, cho phép các loại xe lưu thông 120 km/giờ. Tuy nhiên, tại khu vực cầu Long Thành, tốc độ tối đa là 100 km/giờ và không có làn dừng khẩn cấp. Chưa kể, khu vực này còn có độ dốc khá lớn nên các loại xe không dám lưu thông nhanh, dẫn tới đoạn này cũng bị ùn ứ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực qua trạm thu giá Long Phước (quận 9, TP HCM). "Cao tốc nhưng các loại xe thường xuyên phải di chuyển với tốc độ... "rùa bò", chẳng khác gì đường thấp tốc" - một tài xế xe khách ngán ngẩm.
Ngoài tình trạng ùn tắc giao thông đang trở nên căng thẳng thì nguy cơ tai nạn cũng luôn rình rập trên cao tốc TP HCM-LT-DG. Cụ thể, khói đốt đồng "tấn công", che khuất tầm nhìn của tài xế rồi dẫn tới vụ ô tô tông nhau liên hoàn trên tuyến cao tốc này ngày 3-4, nhiều người vẫn ám ảnh. Hy hữu hơn, ngày 20-9-2016, hai con trâu do người dân chăn thả bỗng... "chui" được vào cao tốc TP HCM-LT-DG rồi bị ô tô tông chết. Trong 2 vụ việc nêu trên, ngoài sự hạn chế trong nhận thức của một số người dân nhưng nhiều người cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm, phương thức quản lý và khai thác tuyến cao tốc hiện đại này. "Cao tốc được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại có những trường hợp hy hữu như vậy thì thực sự bi hài" - anh Hoàng, một tài xế chạy xe tốc hành tuyến TP HCM - Vũng Tàu, bức xúc nói.
Đã làm hết sức?
Trước 2 vấn nạn trên, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), cho biết trên cao tốc TP HCM-LT-DG luôn có lực lượng tuần tra cũng như bố trí các phương tiện cứu hộ tại các vị trí trọng điểm nhằm xử lý sự cố một cách nhanh nhất. Trong trường hợp lượng xe tăng cao và xảy ra ùn ứ, VEC E cũng sẽ tăng cường người ở các trạm thu giá.
"Vừa qua, VEC E đã phối hợp với các đơn vị liên quan diễn tập phương án sắp xếp lại phương tiện bị ùn tắc để nhường đường cho các xe chuyên dụng tiếp cận hiện trường, giải quyết sự cố. Dự kiến trong thời gian sắp tới, VEC E sẽ tiếp tục diễn tập xử lý sự cố với quy mô lớn hơn, có sự tham gia của nhiều lực lượng hơn" - bà Phương cho biết.
Đặc biệt, bà Phương cho hay hiện VEC E đã làm việc với các đơn vị liên quan dần khắc phục 2 điểm ùn tắc nêu trên. Theo đó, trên đoạn tuyến 4 km đầu của cao tốc tại khu vực nút giao An Phú hiện đã bàn giao cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM quản lý. Riêng hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại đây, VEC E cũng đã phối hợp Trung tâm Quản lý đường hầm Sông Sài Gòn - Sở GTVT TP HCM điều chỉnh lại phù hợp. Còn đối với đoạn giao Quốc lộ 51, các đơn vị đang cải tạo và mở rộng đầu nhánh vào đường cao tốc, đồng thời mở thêm làn đường lưu thông qua vòng xoay của nút giao Quốc lộ 51 để giảm xung đột giao thông. Bên cạnh đó, để giảm ùn tắc giao thông tại "điểm nghẽn" này, VEC E cũng đã kiến nghị mở thêm làn xe ở các đường nhánh lên cao tốc giao Quốc lộ 51 và kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng hầm chui tại khu vực trên.
Cũng theo VEC E, lượng xe lưu thông qua cao tốc TP HCM-LT-DG ngày càng tăng. Thống kê từ đầu năm tới hết tháng 4-2018, VEC E cho thấy mỗi ngày/đêm có hơn 37.000 lượt xe lưu thông, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, dịp Tết nguyên đán 2018, trung bình có hơn 43.000 lượt xe/ngày đêm. Còn dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua lên tới hơn 52.500 lượt xe/ngày đêm. So với năm 2017 lưu lượng phương tiện tăng khoảng 10%. "Khi nhận thấy lưu lượng xe có chiều hướng tăng, ngoài những biện pháp nêu trên, chúng tôi còn đưa thông tin lên các bảng điện tử để tài xế lựa chọn lộ trình phù hợp, không dồn vào điểm ùn tắc" - bà Nguyễn Thị Hoài Phương cho biết.
Trong khi đó, các tài xế thường xuyên qua lại cao tốc TP HCM-LT-DG cho rằng họ đâu có thiếu tỉnh táo đến mức thấy bảng điện tử báo kẹt mà vẫn lao đầu vào cao tốc! "Họ đâu quan tâm đến khách hàng chỉ lo "hứng" thật nhiều xe, thu thật nhiều tiền mà thôi"- tài xế Hoàng bức xúc.