Thủ tướng yêu cầu về bảo đảm an toàn Covid-19 trong các khu công nghiệp | |
Kiến nghị hỗ trợ tiêm vắc- xin cho công nhân dệt may để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu | |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nỗ lực huy động nguồn lực để Bình Định phát triển |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đi kiểm tra một số DN tại khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Dương |
Đáp ứng để được hoạt động trở lại
Tính đến ngày 2/6, Bắc Ninh có 504 DN trong các khu công nghiệp (KCN) đã trở lại sản xuất. Trước đó, để chuẩn bị cho DN hoạt động lại, Đoàn công tác của Bộ Y tế tại Bắc Ninh đã làm việc liên tục với các sở, ban, ngành của địa phương và trực tiếp đào tạo cho cán bộ của Ban Quản lý các KCN về kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.
Theo bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, khó khăn trong phòng chống dịch tại KCN là có nhiều DN sản xuất điện tử, không gian hẹp, kín. “Đây là những yếu tố để dịch bệnh dễ bùng phát và lan rộng nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời”, bà Giang nói.
Tỉnh Bắc Giang có 4 KCN là Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung đều đang tạm đóng cửa. Tính đến ngày 2/6, Bắc Giang mới có 13 doanh nghiệp (với 5.133 công nhân) được phép hoạt động trở lại theo mô hình mới, triển khai với tinh thần “thực hiện cách thức quản lý mới, giảm bớt số lượng công nhân, đảm bảo các phương án phòng, chống dịch, hạn chế ảnh hưởng đến toàn doanh nghiệp”.
Là một trong những DN đủ điều kiện sản xuất trở lại, đại diện Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu (KCN Quang Châu) cho biết, DN tái sản xuất với 4 phân xưởng, chia làm 2 ca. Toàn bộ công nhân của DN phải ở các khu kí túc xá và được đưa đón bằng xe của công ty. Đồng thời DN cũng kí hợp đồng với một DN cung cấp suất ăn hàng ngày cho công nhân.
Tương tự, để đảm bảo an toàn trong sản xuất, Công ty TNHH MTV Pan Pacific (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ cán bộ nhân viên; bố trí sát khuẩn tại các cửa ra vào; đo thân nhiệt trước xưởng; đặt vách ngăn nhà ăn, phân ca ăn theo giờ…
Không chỉ vậy, theo ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế thì công ty cần giãn cách sản xuất với các nhóm 30 người, có phân vùng, vách ngăn, hạn chế tiếp xúc; tổ chức xét nghiệm 1 tuần/lần đối với toàn bộ lao động. Song khó khăn mà các lãnh đạo DN đưa ra là vấn đề kinh phí xét nghiệm. “Việc giãn cách sản xuất, chúng tôi có thể có phương án xử lý. Về xét nghiệm, theo quy định DN phải tự trả phí, như thế mỗi lần thực hiện xét nghiệm cho công nhân chúng tôi phải trả 235.000 đồng/người/lần xét nghiệm. Nếu việc xét nghiệm một tuần/lần cho vài nghìn lao động thì công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể đảm đương được”, đại diện Công ty TNHH MTV Pan Pacific bộc bạch.
Từ những chia sẻ của DN, ông Dương Chí Nam khẳng định: “Tổ công tác của Bộ Y tế sẽ có tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để nâng cao vấn đề phòng chống dịch Covid-19 ở các DN trong KCN. Về khâu xét nghiệm, DN cần có giải pháp xét nghiệm toàn bộ 1 tuần/lần trong tháng cao điểm, sau đó có thể giãn dần. Về kinh phí xét nghiệm, có thể sẽ nghiên cứu phương án gộp mẫu để giảm chi phí cho DN. Bởi nếu không đáp ứng được, khi phát hiện bất kể một ca dương tính nào, sẽ buộc phải đóng cửa cả nhà máy, và khi đó gánh nặng sẽ ngoài sức tưởng tượng”.
Xây dựng dữ liệu thông tin
Để đảm bảo mục tiêp kép, vừa phòng chống dịch vừa sản xuất hai 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã đẩy nhanh tiến độ khoanh vùng, dập dịch và các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà máy, xí nghiệp.
Theo ông Trần Mạnh Xâm, Phó Trưởng phòng Tài nguyên môi trường của Ban quản lí các KCN tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập 35 đội chấm điểm, tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tiễn và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại. Đồng thời, Tổ kiểm tra, giám sát khu cách ly và môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã đi thẩm định các doanh nghiệp có nhu cầu vào hoạt động trở lại, và đã hoàn thiện các quy định phòng chống dịch chặt chẽ của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.
Tổ công tác của Bộ Y tế cũng đang tập trung xây dựng phần mềm dữ liệu thông tin lao động nhằm hỗ trợ tích cực cho công tác truy vết, khoanh vùng với tất cả người lao động trong các KCN và các DN sản xuất tại Bắc Giang. Ông Dương Chí Nam cho biết, phần mềm sẽ bao gồm đầy đủ thông tin về mỗi lao động như: Tên tuổi, số CMND, quê quán, số điện thoại. Đặc biệt, các thông tin về nhà máy làm việc được cụ thể xuống tận phân xưởng, những chuyến xe, biển số, danh tính tài xế mà lao động đi về hàng ngày, cũng như nơi ở trọ, thông tin liên hệ của những người ở cùng phòng, khu trọ… từ đó truy xuất ra các DN khác liên quan rất nhanh và đơn giản. Kho dữ liệu của phần mềm này sẽ bao quát tất cả 160.000 công nhân của các nhà máy trong và ngoài KCN trên địa bàn tỉnh
Tại tỉnh Bắc Ninh, các DN đã bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Bà Nguyễn Hương Giang cho biết, DN trong KCN tổ chức lại sản xuất, phương án phân luồng người lao động trong các phân xưởng sản xuất, đưa đón công nhân, khu nhà ăn và khu ký túc xá theo nguyên tắc là những công nhân cùng phân xưởng thì bố trí cùng phòng, cùng khu ký túc xá, để giảm tối đa việc lây lan khi có ca lây nhiễm.
Sau khi nhận được số vắc xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế phân bổ, hai địa phương này đang rốt ráo tiến hành tiêm vắc xin cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Đây là tiền đề để một số cơ sở sản xuất nằm trong KCN có đầy đủ điều kiện về an toàn chống Covid-19 và có thể trở lại sản xuất trở lại.