Nhiều ngân hàng thu “trái ngọt” nhờ chuyển đổi số | |
Ngành ngân hàng tiếp tục đối mặt nhiều “sóng gió” | |
Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng 2023 dự báo sẽ giảm tốc |
Nhiều ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững trong năm 2022. |
Tính đến nay đã có 26 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh và báo cáo tài chính cả năm 2022, trong đó có 6 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế trên 20.000 tỷ đồng. Quán quân hiện nay vẫn thuộc về Vietcombank với lợi nhuận trước thuế năm 2022 lên tới gần 37.360 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm trước. Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng này tiếp tục tăng trưởng cao đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ đồng và giảm chi phí dự phòng rủi ro hơn 2.000 tỷ đồng.
Đứng vị trí á quân là Techcombank với lợi nhuận trước thuế khoảng 25.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Kết quả này có được nhờ vào tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của Techcombank năm 2022 đều tăng trưởng mạnh. Thu nhập từ lãi đạt 30,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng.
Tiếp đến là BIDV với 23.058 tỷ đồng, tăng vọt 70% so với năm 2021; MB với gần 22.730 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm trước và đạt 111,8% kế hoạch năm. Mặc dù kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm trong quý 4/2022 nhưng nhờ tăng trưởng của thu nhập lãi thuần và kinh doanh ngoại hối, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của MB vẫn tăng 25,3% so với năm trước trong khi chi phí dự phòng rủi ro gần như không đổi nên giúp tăng trưởng dương cho lợi nhuận cả năm.
Tương tự, với VPBank, mặc dù trong quý 4, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm tới gần 46% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong các quý trước nên lợi nhuận trước thuế cả năm vẫn đạt gần 21.220 tỷ đồng, tăng 48% so với năm trước.
VietinBank đứng thứ 6 với 21.113 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Ngoài ra, có 3 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng là ACB với hơn 17.000 tỷ đồng, tiếp đến là VIB và HDBank.
Cùng với các ngân hàng đạt lợi nhuận cao, năm 2022, mặc dù nền kinh tế có nhiều khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn có tăng trưởng lợi nhuận cao trên 50%. Chẳng hạn như tại SHB, lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt hơn 9.658 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó còn có một số ngân hàng khác như: ACB, LienVietPostBank, SeABank, PGBank, Saigonbank…
Đặc biệt, năm 2022, ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất lên tới 208% là Eximbank, đạt 3.709 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nguyên nhân do phần lớn mảng kinh doanh của Eximbank có lãi tích cực, trong đó thu nhập lãi thuần tăng tới 59% so với cùng kỳ, đạt 5.592 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 514 tỷ đồng, tăng 19%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 54% lên 606 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn giảm rất mạnh chi phí dự phòng khi cả năm 2022 chỉ ở mức 103 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ.
Nhưng ở chiều ngược lại, vẫn có một số ngân hàng lợi nhuận năm 2022 đi lùi. Cụ thể như NCB với lợi nhuận trước thuế cả năm giảm tới 46% so với năm trước, chỉ đạt 1,24 tỷ đồng. Theo lý giải từ NCB, trong năm 2022, ngân hàng thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại, đồng thời ngân hàng tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Kienlongbank cũng có lợi nhuận giảm 32%, đạt 682 tỷ đồng; OCB giảm 20%, đạt 4.389 tỷ đồng; ABBank giảm 13%, đạt 1.702 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, tăng trưởng của ngành ngân hàng được dự báo với nhiều thận trọng hơn. Các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect cũng giữ lập trường thận trọng với triển vọng ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 do căng thẳng thanh khoản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu. VNDirect nhận định, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023, dự báo sẽ đạt 10-11% trong năm 2023-2024 (so với mức 32% năm 2022).