【bảng xếp hạng châu á】Thương hồ đón xuân
(CMO) Cà Mau là vùng đất lành, thu hút khách thập phương về thăm thú. Không ít người tìm đến Cà Mau rồi trụ lại với ý định lập nghiệp lâu dài. Với nhiều khách thương hồ, Cà Mau trở thành quê hương thứ 2 và cuộc sống, nghề mưu sinh của họ không chỉ điểm tô cho nhịp sống Cà Mau thêm đậm nét văn hoá vùng, miền mà còn dệt nên những câu chuyện vui trước thềm năm mới.
Khi ghe là nhà
Hơn 3 năm trước, vợ chồng anh Lê Minh Thư, 36 tuổi, xuôi dòng từ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu về Cà Mau cặm sào đậu ghe rồi hành nghề chuyên bán hoa kiểng và cây trồng.
Vợ chồng anh Thư mong mua may bán đắt hàng trong dịp tết này. |
Chọn bến sông ngay trụ sở UBND xã Lý Văn Lâm để làm bến đậu, ngày thường thì chạy dọc tuyến sông các huyện để bán, đêm về ngủ lại tại bến. Và hơn 1 tháng nay, chiếc ghe cứ nằm im một chỗ để phục vụ cây kiểng ngày tết cho bà con.
Chị Nguyễn Thúy Liễu, vợ anh Thư, bộc bạch: “Bán ở đây nhiều năm, riết bà con đã quen, cứ đến gần tết là lại kiếm mình, có cây họ mua, có cây họ đặt mình đem về, có nhà mua riết thành mối nên chỉ cần gọi là giao luôn tận nơi”.
Vợ chồng anh Thư lấy nhau cũng gần 10 năm, trong khoảng thời gian đó có 9 năm anh chị bôn ba trên chiếc ghe chòng chành hết ngày này qua tháng nọ. Thật ra anh chị cũng có nhà, nhưng thỉnh thoảng ghé, còn thời gian chính sinh sống vẫn là trên chiếc ghe này.
Khác với mọi năm chỉ bán cây kiểng các loại, năm nay vợ chồng anh Thư bàn nhau lấy bông vạn thọ về bán để kiếm thêm đồng lời.
“Cũng có khi khuya 30 tết mới về tới nhà, lo buôn bán riết rồi tết nhứt cũng đơn giản", anh Thư bộc bạch.
Nếu người ở trên bờ cứ tết đến là lo trang hoàng nhà cửa tươm tất để đón khách, thì người khách thương hồ như vợ chồng anh Thư, chị Liễu, tết nhất cũng chăm chút cho “ngôi nhà nhỏ” của mình. Cỡ mùng 2 là kéo ghe lên trét chai, sơn phết, gia cố, tu sửa máy móc để đầu mùng 6 xuất hành cho thuận buồm xuôi gió.
Nghĩa tình sông nước
Hơn 3 đời gắn bó với nghề đi ghe, cái nghề không chỉ để mưu sinh mà còn là nghề cha truyền con nối của gia đình bà Bảy Đáng (Nguyễn Thị Đáng), 54 tuổi. Xuất phát điểm tại Cần Thơ, gia đình bà chèo chống theo bạn hàng tìm về miệt Cà Mau buôn bán, rồi “cặm rễ bám gốc” ở đây. 20 năm mưu sinh, giờ đây Cà Mau như một phần quê hương của bà và các con.
Bà Bảy tâm tình: “Mỗi chuyến ghe vừa đi vừa bán khoảng 1 tuần. Mình cân đồ tại Cần Thơ, sau đó chạy xuống Cà Mau bán, ghi toa giao cho bạn hàng, mối lái, ở vài bữa đợi “dọn tiền” xong là đi về trển. Mỗi tháng nếu bán đắt hay “trúng chợ” có khi đi 3 chuyến không chừng".
Không hối hả về quê như những bạn lái khác, Bà Bảy thường ăn tết tại Cà Mau. “Ngay tết bán được lắm, thứ nhất là mấy ghe khác về rồi nên ít người bán, thứ 2 là đầu năm, nhất là mùng 1, mùng 2 rơi vào ngày xuất hành nên bán ham lắm”, bà Bảy cho biết.
Tết của những người xa quê, đặc biệt là khách thương hồ tuy đơn giản mà ấm cúng, chân tình. Cũng bày khay mứt mời bạn hàng đậu ghe kế bên qua trò chuyện rôm rả, có khi ai lại mua hàng cũng mời ăn chung cho có lộc đầu năm.
“Ở nhà thì cúng xông đất kiểu ở nhà, ở ghe thì cúng theo kiểu dưới ghe, cũng gọn thôi, nấu mâm cơm nho nhỏ. Mùng 6 về lại nhà thì cúng đủ đầy, tươm tất hơn”, bà Bảy cho biết.
Cà Mau thay đổi từng ngày, đời sống người dân cũng được nâng lên. Bà Bảy nhớ lại: “Hồi trước đi ghe cực lắm, ngán nhất là vụ nước sinh hoạt, phải neo ghe xin hoặc mua mỗi lần một ít. Giờ thì khoẻ hơn nhiều, mỗi ngày có ghe chở đi đổi 2 lần, 1 lần 10 ngàn đồng, bơm 5 phút là đầy mấy cái thùng, xài được mấy ngày. Điện thì cũng thoải mái, dù tiện nghi dưới ghe không bằng trên bờ nhưng hơn trước nhiều”.
Bôn ba trên sông nước lâu dài theo thời gian đã gắn kết tình nghĩa giữa những con người ở nhiều vùng quê lại với nhau. Không chỉ bằng lòng với hiện tại, mà mỗi chuyến đi chắc chắn sẽ là những hành trình thú vị, để khi về già kể lại cho con cháu nghe về cuộc sống thương hồ có lúc phải ăn tết ở miền xa...
Ngô Nhi