Ngày 18-3,kết quả lượt đi cúp c2 Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng Washington chắc chắn sẽ có những lệnh trừng phạt tiếp theo đối với Nga, trong khi Anh cũng đã có phản ứng cụ thể đầu tiên bằng quyết định đình chỉ hợp tác quân sự và buôn bán vũ khí với Nga. Động thái của Mỹ và Anh đang gia tăng áp lực buộc Pháp phải làm theo bằng việc từ chối chuyển giao các chiến hạm Mistral hiện đại mà nước này đã hứa bán cho Nga theo một thỏa thuận gây tranh cãi năm 2011. Song liệu Paris có thực sự sẵn sàng từ bỏ hợp đồng trị giá 1,4 tỷ USD và 1.000 việc làm tại xưởng đóng tàu của nước này hay không? Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã bày tỏ: "Một mặt, chúng tôi không nghĩ rằng sẽ cung cấp vô thời hạn vũ khí cho Nga bởi cách hành xử của nước này, song mặt khác còn phải xét tới thực tế việc làm và tình hình kinh tế".
Phía Pháp đồng thời tỏ ý mong muốn Anh sẽ phối hợp với Paris bằng cách gây sức ép và ảnh hưởng tới giới tài phiệt Nga đang hoạt động ở London nhằm lôi ông Putin ngồi vào bàn đàm phán. Song liệu Chính phủ của Thủ tướng Anh David Cameron có thể lãnh đạm với giới nhà giàu Nga, những người đã đầu tư hơn 500 triệu bảng Anh vào thị trường bất động sản London hồi năm ngoái, giúp cho giá cả hồi phục mạnh mẽ và nhờ đó thúc đẩy được nền kinh tế Anh?
Tương tự, Đức có thể ngăn chặn kế hoạch bán công ty con của tập đoàn năng lượng khổng lồ RWE cho một tập đoàn do Nga kiểm soát, song liệu nước này có thực sự muốn phá bỏ mối quan hệ thương mại trị giá tới 76 tỷ euro với Nga hoặc chấp nhận việc Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho mình hay không?
Gian Maria Fara, Trưởng nhóm cố vấn Eurispes của Italy, cho biết: "Các lệnh trừng phạt luôn gây bất lợi cho những ai áp đặt chúng, đôi khi còn nhiều hơn so với đối tượng mà chúng nhắm tới. Chính phủ Italy ủng hộ quan điểm của châu Âu, với những tuyên bố về nguyên tắc, song thực tế rồi đâu sẽ vào đấy".
Trước khi Anh có động thái phản ứng vào ngày 18-3, các hành động phản đối Nga chỉ giới hạn ở việc đóng băng các tài khoản và cấm cấp thị thực nhập cảnh đối với một số cá nhân đơn lẻ có liên quan tới quá trình dẫn tới việc Crimea sáp nhập vào Nga. Các biện pháp có phần cứng rắn hơn như loại Nga ra khỏi nhóm G-8 hay không cho ông Putin tham dự các lễ kỷ niệm ngày giải phóng châu Âu vào tháng 6 cho tới nay vẫn chưa được quyết định.
Chuyên gia Grancois Heisbourg thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) của Pháp cho biết: "Giới chủ và các hiệp hội ở Đức thống nhất trong việc phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Song lệnh trừng phạt làm người Nga mất nhiều hơn so với người châu Âu - Nga chiếm khoảng 1% xuất khẩu của EU còn EU chiếm tới 50% xuất khẩu của Nga". Theo ông Heisbourg, việc coi EU phụ thuộc vào khí đốt của Nga là hơi quá. Hiện các kho dự trữ vẫn đầy sau một mùa Đông không khắc nghiệt và cuộc cách mạng khí đốt từ đá phiến ở Mỹ giúp EU dễ dàng hơn trong việc tìm nguồn cung cấp thay thế.
Trong khi đó, chuyên gia Dominique Moisi của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), cho rằng Nga có lẽ đã sai lầm khi đánh giá thấp tác động của các lệnh trừng phạt cứng rắn. Chuyên gia này nói: "Quan điểm của Mỹ và châu Âu về trừng phạt Nga đang xích lại gần nhau. Có thể thấy rằng Quốc hội Mỹ đang xem xét những biện pháp có ảnh hưởng sâu rộng sẽ có tác động tới những nước thứ ba muốn tiếp tục quan hệ kinh doanh với Nga, và châu Âu sẽ buộc phải làm theo".
Thanh Phương