FDI suy giảm cũng có lợi?gánhkeo bong da ma cao
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trong 7 tháng là 8,8 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do vốn FDI tăng thêm giảm mạnh. Cụ thể 7 tháng đầu năm, vốn FDI tăng thêm chỉ là 1,8 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá lý do khiến vốn FDI sụt giảm trong những tháng đầu năm, báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng: Dòng vốn FDI đăng ký chững lại đột ngột đúng trong năm hội nhập của Việt Nam (đàm phán TPP, ký kết một loạt các Hiệp định thương mại tự do quan trọng...) bởi nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi các kết quả cuối cùng liên quan đến chính sách, sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh xung quanh tiến trình hội nhập trên.
TS Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) đánh giá: Thu hút FDI những tháng đầu năm cho thấy thực trạng vốn đăng ký mới giảm nhưng vốn giải ngân thực hiện tăng so với cùng kỳ. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư đã quen với môi trường kinh doanh của Việt Nam, đã hiểu môi trường kinh doanh của Việt Nam và cảm thấy tự tin mở rộng đầu tư. Vốn thực hiện tăng chứng minh cho điều đó. Nguyên nhân khiến vốn đăng ký đầu tư mới chưa tăng là bởi tâm lý e dè của các nhà đầu tư mới khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Một lý do khác khiến vốn FDI suy giảm được TS Nguyễn Tú Anh đưa ra là do các nhà đầu tư FDI thường hướng tới thị trường XK. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới thời gian qua có nhiều khó khăn, các nhà đầu tư lựa chọn rất kỹ càng khi đầu tư vào Việt Nam. “Họ phải tính toán đến cơ hội XK trong tương lai. Khi những thị trường XK phải đối mặt với nhiều khó khăn như bất ổn kinh tế Trung Quốc, EU… thì các nhà đầu tư sẽ không vội vàng đầu tư dự án mới” - ông Tú Anh phân tích.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng: FDI đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Việc thu hút vốn FDI giảm cũng là điều tốt, buộc chúng ta phải tìm nguồn khác bù đắp sự thiếu hụt này. Hiện nay khu vực trong nước vẫn đang có khối lượng tài sản rất lớn. Nếu chúng ta chuyển được khối tài sản khổng lồ này thành động lực phát triển thì sẽ tạo ra một con đường mới, hay hơn là cứ đi con đường cũ.
Loay hoay kết nối “nội-ngoại”
Trong khi nỗi lo vốn FDI đăng ký giảm phần nào được xoa dịu do vốn FDI giải ngân vẫn tăng, các chuyên gia lại nhắc đến việc khai thác tốt hơn những dòng vốn FDI hiện có. Một giải pháp tiếp tục được nhắc đến là kết nối DN “nội” với DN “ngoại” - điểm yếu trong thu hút FDI của Việt Nam.
Cho rằng cuộc chơi thu hút FDI là “win-win”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng không sướng gì khi phải đi tìm DN phụ trợ bên ngoài. Bởi nếu tìm được các nhà cung cấp công nghiệp phụ trợ trong nước, họ có thể giảm chi phí sản xuất.
TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia tỏ ra tiếc nuối: Giá như nền kinh tế Việt Nam như các nước Thái Lan, Malaysia… thì nguồn vốn FDI đổ vào là đáng mừng. Bởi nếu có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển thì FDI sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong nước. Nhưng Việt Nam lại ngược lại. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển và đóng góp vào sự phát triển kinh tế trong nước lại càng không. Một nền kinh tế dựa vào FDI mà công nghiệp hỗ trợ là con số không, hạ tầng cũng không có thì hiệu quả mang lại là gì vẫn là vấn đề cần phải xem xét.
TS Nguyễn Tú Anh cho rằng: Thu hút FDI ở Việt Nam không phải hướng đến thị trường nội địa mà hướng đến thị trường XK. Như vậy Việt Nam đã gia nhập chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên khu vực DN nội địa của Việt Nam lại chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đóng góp của khu vực FDI cho tăng trưởng là thấp, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước có tỷ trọng vốn FDI thấp hơn. Hiệu quả của FDI tác động lên nền kinh tế là tạo ra tình trạng lưỡng phân trong nền kinh tế, khu vực FDI tăng trưởng rất nhanh trong khi khu vực nội địa tăng trưởng rất thấp. Sự kết nối giữa hai khu vực này dường như chưa có, do đó tăng trưởng khu vực FDI không kéo theo tăng trưởng khu vực nội địa. Đây là một vấn đề cần giải quyết để tạo ra sự kết nối giữa hai khu vực.
“Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cần hạn chế sự phát triển của khu vực FDI mà cần làm tốt hơn nữa trong thu hút đầu tư FDI, hiện chúng ta chưa khai thác tốt dòng vốn FDI vào Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhiều hơn nữa” - ông Nguyễn Tú Anh nói.
Ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam: Với mong muốn trở thành một DN quốc dân thực sự của Việt Nam, chúng tôi không chỉ sản xuất ra các sản phẩm tại Việt Nam, mà còn đóng góp vào công cuộc phát triển của đất nước. Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công Thương, tổ chức buổi triển lãm thu hút sự quan tâm của nhiều DN trong nước về vấn đề tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Đây là đóng góp của Samsung cho sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Ở khu vực phía Bắc, số lượng nhân lực mà chúng tôi đã tuyển dụng là hơn 100.000 người, chính những con người này đã tạo ra những sản phẩm đỉnh cao của Samsung. Đó chính là những hoạt động để thực hiện mục tiêu trở thành DN quốc dân thực sự của Việt Nam.” |