【ket qua vdqg phan lan】Đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng thị trường
(CMO) Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua, Sở Công thương Cà Mau có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại làm cầu nối giúp DN, cơ sở sản xuất của tỉnh nghiên cứu trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường quan hệ thương mại và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ngoài 8 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cũng như các sản phẩm đang tiếp tục đăng ký để được công nhận nhãn hiệu tập thể, Cà Mau còn có khoảng 40 sản phẩm đặc trưng nổi tiếng khác mang đậm bản sắc riêng của từng địa phương mà tới đây Cà Mau sẽ tiếp tục phát triển để được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm hoặc nhãn hiệu tập thể.
Chủ động sản xuất theo xu hướng thị trường
Bên cạnh một số DN đã tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình, tìm được đầu ra, có thị trường, vẫn còn những DN gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do việc bán hàng chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, chưa có kênh phân phối ổn định, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Do vậy, để tìm đầu ra cho sản phẩm, cùng với sự chủ động hoàn thiện kênh phân phối sản phẩm từ phía nông dân và DN, các DN trên địa bàn tỉnh cần có sự liên kết với nhau, cũng như liên kết với các hệ thống phân phối hiện đại để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh và có được thị trường tiêu thụ ổn định.
Các đại biểu tham quan các sản phẩm trưng bày tại hội nghị kết nối giao thương giữa DN Cà Mau và TP Hồ Chí Minh. |
Đại diện kênh phân phối hàng hiện đại vào siêu thị, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Co.opmart Cà Mau, cho biết: "Theo chủ trương chung của lãnh đạo Co.opmart, hàng Việt tại siêu thị chiếm trên 95%, trong đó ưu tiên các nhãn hiệu đã được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Thời gian qua, Co.opmart đã tham gia xúc tiến rất nhiều địa phương trên toàn quốc. Tại Cà Mau hiện có Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú đã đưa các sản phẩm gạo hữu cơ, rau, cá vào siêu thị".
Theo ông Khoa, rất ít DN Cà Mau đưa hàng được vào hệ thống Co.opmart là do các DN Cà Mau sản xuất còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, cá nhân. Muốn đưa hàng vào hệ thống siêu thị đòi hỏi rất nhiều tiêu chí (tem, nhãn hàng hoá, chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP…). Hầu hết các DN, hộ gia đình ngại làm việc này nên rất ít DN cung ứng được sản phẩm vào siêu thị. Hơn nữa, muốn phát triển thị trường phải chào hàng tập trung, kết nối cung ứng đủ sản lượng và thực hiện các tiêu chuẩn siêu thị đưa ra. Các sản phẩm bánh phồng chuối, mật ong, tôm khô… tham gia hội nghị kết nối có hình ảnh, bao bì bắt mắt đều có khả năng đưa vào Siêu thị Co.opmart. Đại diện Co.opmart sẽ gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các DN.
Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú Võ Minh Khải chia sẻ: "Xu hướng của thị trường là sử dụng sản phẩm sạch. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển nên người tiêu dùng rất quan tâm đến sức khoẻ, sản phẩm phải phục vụ sức khoẻ. DN muốn tồn tại và phát triển nên đi theo hướng an toàn sức khoẻ".
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Ông Trần Quốc Cường, Phó phòng Huấn luyện, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) TP Hồ Chí Minh, Phó Ban, kiêm Tổng Thư ký Ban liên lạc Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Hồ Chí Minh, cho biết, ITPC là đơn vị gắn liền với các tỉnh, thành phía Nam để đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các tỉnh.
Theo ông Cường, DN Cà Mau cần phải sản xuất những sản phẩm cho phù hợp với thị trường tiêu thụ, không sản xuất theo cảm nhận riêng. Các tiêu chuẩn phải đảm bảo cam kết với khách hàng. Mùa vụ không đồng nhất nên lưu trữ làm sao để đảm bảo cung ứng đầy đủ cho thị trường không bị gián đoạn. Phân loại sản phẩm để bán nhằm tránh bị ép giá.
Đối với HTX nên đoàn kết, gắn bó xây dựng thương hiệu đạt mong muốn sản phẩm đặc trưng. Các mạng xã hội nông dân nên áp dụng để quảng bá sản phẩm và phải bán hàng đúng chất lượng. Cần đào tạo nâng cao nhận thức về quản lý HTX, cũng như đơn vị sản xuất để sản phẩm phù hợp với điều kiện thương mại dịch vụ.
Qua các hoạt động kết nối cung cầu hàng hoá cho thấy, các DN, hộ sản xuất trong tỉnh còn nhỏ lẻ, thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn, điều kiện về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu của hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời, các hệ thống phân phối cũng chưa thông tin đầy đủ quy trình, điều kiện tiếp nhận hàng hoá cho DN các địa phương.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Lưu Văn Quốc chia sẻ: "TP Hồ Chí Minh có lợi thế rất quan trọng, thị trường rộng lớn, khả năng tiêu thụ hàng hoá rất lớn từ các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Cà Mau. Đặc biệt, các DN TP Hồ Chí Minh có nhu cầu và điều kiện tiêu thụ hàng hoá của tỉnh Cà Mau rất lớn. Vì vậy, mong rằng ITPC TP Hồ Chí Minh và Hội đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Hồ Chí Minh thời gian tới sẽ quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh tìm hiểu, kết nối với các DN Cà Mau"./.
Hồng Phượng