Người dân mót những bắp ngô ít ỏi còn lại ở cánh đổng xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh tư liệu |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương nhằm góp ý cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật.
Tổng huy động nguồn lực hỗ trợ phục hồi chăn nuôi, thủy sảnTheo ước tính, Bão số 3 sẽ kéo tăng trưởng ngành Nông nghiệp giảm 0,33%. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phát động đợt tổng huy động nguồn lực để nhanh chóng khôi phục, tái thiết sản xuất cho hai lĩnh vực quan trọng là chăn nuôi và thuỷ sản, hiện đang chiếm 50% tổng giá trị của ngành. |
Theo quy định tại Nghị định số 02, nguyên tắc hỗ trợ là Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại). Đồng thời, sẽ thực hiện hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con, hiện vật.
Sau quá trình triển khai thực hiện Nghị định 02, các địa phương đã tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại, hướng dẫn các hộ dân lập hồ sơ, gửi cấp có thẩm quyền để được hỗ trợ khôi phục sản xuất. Theo báo cáo của các địa phương và Bộ Tài chính, từ năm 2017 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho người dân khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh thực hiện theo Nghị định này là hơn 6 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua báo cáo của các địa phương và các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ NN&PTNT, khi áp dụng Nghị định 02 đã phát sinh những tồn tại, bất cập và cần có những sửa đổi, bổ sung kịp thời về: Đối tượng hỗ trợ; điều kiện hỗ trợ; mức hỗ trợ; trình tự, thủ tục hỗ trợ; chế độ hỗ trợ người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và thống kê, xác nhận thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Điển hình, về mức hỗ trợ, đối với cây trồng, mức hỗ trợ quá thấp. Ví dụ, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha lúa bị thiệt hại trên 70%, tương đương 72.000 đồng/sào. Một số loại cây trồng như cây dược liệu, hoa, cây cảnh…, nhất là cây trồng hàng năm (chuối, dứa, sắn…) chưa được quy định dẫn tới khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất; chưa có quy định về hỗ trợ diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp, sạt lở; chưa quy định hỗ trợ với sản xuất công nghệ cao, nhà kính…
Bà Ngô Thị Tuyết – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết, để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn và những thay đổi của các quy định pháp luật có liên quan, Bộ NN&PTNT đã và đang tích cực khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 02.
Theo đó, ngoài những nội dung kế thừa, dự thảo nghị định đã điều chỉnh nâng mức hỗ trợ đối với cây trồng, cây lâm nghiệp, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật cho phù hợp với kinh phí để khôi phục sản xuất hiện nay, tăng so với mức hỗ trợ cũ từ 1,33 - 3,7 lần. Trong đó, đã có điều chỉnh hỗ trợ đối với cây trồng theo loại cây trồng và giai đoạn gieo trồng; đối với cây lâm nghiệp, hỗ trợ theo diện tích cây rừng, cây lâm nghiệp lấy gỗ và diện tích cây giống ươm trong giai đoạn vườn; đối với vật nuôi hỗ trợ theo ngày tuổi nuôi và đơn vị tính là con…
Theo dự thảo nghị định, mức hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức kinh tế bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh có sự điều chỉnh tăng thêm đáng kể so với các quy định trước đây.
Ví dụ, theo quy định hiện hành hỗ trợ gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con; còn tại dự thảo nghị định mức hỗ trợ cho gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 15.000 - 30.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 31.000 - 45.000 đồng/con…
Đối với lúa, tại dự thảo nghị định đã quy định cụ thể hỗ trợ diện tích lúa theo thời gian gieo trồng và mức hỗ trợ đã tăng, từ diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha, lên tối đa đối với gieo trồng trên 45 ngày là: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% diện tích, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha.
Đối với sản xuất lâm nghiệp, mức hỗ trợ đã tăng và được tính theo chu kỳ khai thác, từ quy định diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, lên tối đa hỗ trợ 15 triệu đồng/ha với thiệt hại trên 70%, 7,5 triệu đồng/ha với thiệt hại từ 30% - 70%. Đồng thời, về điều kiện, thủ tục hỗ trợ, dự thảo nghị định đã có điều chỉnh đảm bảo phù hợp với thực tiễn, bảo vệ quyền lợi của bà con khi bị thiệt hại do thiên tai.
Bà Ngô Thị Tuyết nhấn mạnh, ngay trong thời điểm này, bên cạnh việc tích cực hoàn thiện, sớm trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 02 để tăng mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, sửa đổi điều kiện, thủ tục hỗ trợ, thì việc cần triển khai ngay là các cơ quan trên địa bàn cần hỗ trợ, phối hợp cùng bà con tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã để phối hợp, báo cáo UBND cùng cấp giải quyết, giúp bà con sớm nhận được hỗ trợ.
Cộng đồng quốc tế phối hợp ủng hộ khắc phục hậu quả Bão số 3Theo Bộ NN&PTNT, Bão số 3 và mưa lớn sau bão đã khiến 200.721 ha lúa, 50.642 ha hoa màu bị ngập úng; 61.072 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 26.485 con gia súc, 2.936.840 con gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại do Bão số 3 gây ra ước tính lên tới 50.000 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và các bên liên quan, trước mắt các sứ quán và tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ hơn 13 triệu USD cho Bộ NN&PTNT. Đồng thời Bộ đã tiếp nhận 200 tấn hàng cứu trợ (theo thống kê chưa đầy đủ) từ các Chính phủ: Australia, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Nhật Bản (JICA), Trung tâm AHA của ASEAN, các cơ quan Liên Hợp quốc (UNDP, UNICEF), tổ chức Samaritan’s Purse. Bộ NN&PTNT đã điều phối và nhanh chóng vận chuyển hết cho các địa phương: Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn để hỗ trợ người dân vùng lũ... Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các vị đại sứ, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ, chia sẻ, và đồng hành với Việt Nam vượt qua Bão số 3. Thứ trưởng nhận định, thiên tai ở Việt Nam quá khốc liệt và diễn ra liên tục, nhưng không phải vì thiên tai mà dừng lại tất cả mọi thứ. Sau thiên tai, cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Với nỗ lực cố gắng của người Việt Nam và sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nước, hy vọng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường./. |