Vi phạm nhiều
Trung tuần tháng 6 vừa qua,ếtliệtngănchặnkhaithaacutecđấkết quả trận brondby nhiều người dân ấp Tân Hà, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú bức xúc phản ánh tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép xuyên đêm xảy ra trên địa bàn ấp. Nhận được phản ánh của người dân, khoảng 20 giờ ngày 9-6, phóng viên có mặt tại hiện trường. Men theo đường bê tông nhỏ, tại một bãi đất trống giáp với vườn cao su của người dân nhiều xe ben, xe máy múc đang hoạt động tấp nập.
Theo quan sát của chúng tôi, trong đêm tối, 1 xe máy múc liên tục rồ ga, pha đèn để múc đất; các xe tải xếp hàng chờ “ăn” đất. Bám theo các xe tải này, chúng tôi được biết, đất sau khi khai thác sẽ vận chuyển đến san lấp mặt bằng cho một hộ dân cách đó không xa.
Người dân ở đây cho biết, dù quy mô không lớn nhưng hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép ở đây đã diễn ra từ nhiều ngày nay. Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng này tranh thủ hoạt động vào ban đêm, từ khoảng 19 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Các đối tượng lợi dụng đêm tối khai thác đất trái phép tại ấp Tân Hà, xã Tân Tiến, huyện Ðồng Phú (ảnh chụp lúc 20 giờ ngày 9-6-2024)
Có mặt tại hiện trường vào sáng hôm sau, các xe tải, máy múc đã được rút hết, để lại một khoảng đất rộng đã bị “nạo” với dấu vết còn mới và khối lượng lớn đất san lấp bị vận chuyển đi nơi khác. Vụ việc chỉ được cơ quan chức năng kiểm tra xử lý khi có phản ánh của phóng viên.
Trước đó, vào giữa tháng 3-2024, lãnh đạo xã Tân Lập cũng đã kịp thời ngăn chặn một trường hợp khai thác đất trái phép xảy ra tại địa bàn ấp 4 thông qua tin báo của nhân dân. Điều đáng nói, mặc dù chính quyền xã đã kịp thời ngăn chặn nhưng một phần bề mặt của thửa đất rộng gần 3 ha đã bị đào múc và vận chuyển đi nơi khác. Dù không có con số cụ thể nhưng quan sát bằng mắt thường có thể thấy, hàng trăm, thậm chí cả ngàn xe đất đã được “đất tặc” mang đi tiêu thụ.
Cũng trong tháng 3, tại tổ 29, khu phố Thắng Lợi, thị trấn Tân Phú, cách trung tâm hành chính huyện Đồng Phú chỉ hơn 1km xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép quy mô lớn. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy, cả một quả đồi nhỏ đã bị biến thành vực sâu. Điều đó chứng tỏ mỏ đất này đã tồn tại trong thời gian dài. Vụ việc chỉ được phát hiện khi có phản ánh của cơ quan báo chí…
Đó là những vụ việc được phát hiện, xử lý trong khoảng 5 tháng trở lại đây. Còn thực tế tại một số khu vực xa khu dân cư, đặc biệt vùng sâu, vùng xa tình trạng khai thác đất trái phép diễn biến càng phức tạp. Điều này cũng dễ hiểu khi thời gian gần đây, huyện Đồng Phú như một “đại công trường” với nhiều công trình giao thông quy mô lớn được đầu tư xây dựng; nhu cầu san lấp mặt bằng của người dân tăng cao, cần khối lượng đất khá lớn. Trong khi đó, trên địa bàn huyện chưa có mỏ khoáng sản phún sỏi đỏ, đất san lấp được cấp giấy phép khai thác.
Siết chặt quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất
Trước tình trạng khai thác đất trái phép diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện, phóng viên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo huyện Đồng Phú. Đại diện lãnh đạo huyện khẳng định việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Phú chưa có mỏ khoáng sản phún sỏi đỏ, đất san lấp được cấp giấy phép khai thác.
Công tác quản lý đất đai, khoáng sản thời gian qua luôn được Huyện ủy, UBND huyện Đồng Phú quan tâm. Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/HU ngày 24-8-2023 về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn huyện; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 17-2-2023 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 25-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và phát triển công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện.
Ðất được xe tải vận chuyển đi san lấp mặt bằng ngay trong đêm (ảnh chụp lúc 20 giờ ngày 9-6-2024)
UBND huyện cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp và có các văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đặc biệt là UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân không khai thác khoáng sản trái phép; tích cực tham gia giám sát, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, theo thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, UBND huyện mới chỉ xử phạt 1 trường hợp khai thác khoáng sản đất san lấp trái phép, với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 165 triệu đồng. Các trường hợp còn lại, UBND xã, thị trấn thực hiện kiểm tra, giải tỏa, ngăn chặn và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Trong vai người dân cần số lượng lớn đất san lấp mặt bằng tại khu vực phường Tiến Thành, TP. Ðồng Xoài, phóng viên đã liên hệ một đầu nậu chuyên cung cấp đất “thổ phỉ”. Người này cho biết, nếu cần số lượng lớn (hơn 100 xe) thì giá khoảng 1 triệu đồng/xe 10 khối; nếu số lượng ít thì giá có thể cao hơn từ 100-200 ngàn đồng/xe. Nhu cầu đất san lấp mặt bằng lớn, dẫn đến lợi nhuận cao được cho là nguyên nhân chính khiến thị trường đất “thổ phỉ” nóng lên thời gian qua. Trong khi đó, việc xử phạt có lúc, có nơi chưa thật sự quyết liệt. |
Luật sư Nguyễn Minh Đăng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Minh Bình Phước cho biết: Theo Luật Khoáng sản 2010 thì đất, sỏi, sạn... đều được tích tụ tự nhiên, phân bố ở tầng phong hóa vỏ trái đất là khoáng sản. Vậy nên, việc khai thác đất để sử dụng san lấp công trình là hoạt động khai thác khoáng sản, nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì đó là khai thác khoáng sản trái phép.
Các hành vi khai thác khoáng sản trái phép bị xử lý theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ. “Ngoài xử phạt hành chính, tùy tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, trong đó buộc thực hiện các giải pháp phục hồi đất đai, môi trường quy định tại Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP” - luật sư Nguyễn Minh Đăng thông tin.
Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá. Để siết chặt công tác quản lý, đảm bảo khai thác theo đúng quy hoạch, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành. Đặc biệt, người dân cần nhận thức rõ hơn về hậu quả, hệ lụy của hành vi khai thác tài nguyên trái phép. Mọi hành vi khai thác tài nguyên trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.