Luật “đá” nhau
Theo các chuyên gia, TPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia nói chung không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp, thông qua việc tăng trưởng xuất khẩu, tạo việc làm, mà còn gián tiếp cho thấy những hạn chế cần khắc phục của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nghiêm Xuân Đạt, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt- Mỹ Hà Nội cho rằng: Trừ những doanh nghiệp lớn có thể sẵn sàng hội nhập, các doanh nghiệp quy mô từ vừa trở xuống thì nhận thức về hội nhập vẫn còn lơ mơ. Họ chưa coi trọng tác động của hội nhập và có thể vẫn nghĩ, doanh nghiệp nước khác cũng như mình.
Tuy nhiên, đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư dầu khí Toàn cầu cho biết, nghe TPP có vẻ phấn khởi nhưng bên trong đó có những cái mất chưa hình dung hết. Có những ngành thuận lợi, có ngành khó khăn.
Theo đó, khó khăn lớn nhất đối với ngành bất động sản là thể chế, thủ tục hành chính. “Tôi là doanh nghiệp trong nước quen hết các sở, ban, ngành mà còn thấy gian truân. Tôi được biết, hiện có 4 dự án đang "nằm" trên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội do có sự mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Hai luật này “đá” nhau và với hệ thống luật như vậy rất khó cho hoạt động của doanh nghiệp”- ông Hiệp dẫn chứng.
Hơn nữa, với hệ thống luật pháp như vậy, việc khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi các FTA có hiệu lực sẽ càng khó khăn. Ông Hiệp cho hay, doanh nghiệp hiện đang tiếp nhận một hồ sơ hợp tác của đối tác Đan Mạch đầu tư vào Lăng Cô (Thừa Thiên- Huế), tuy nhiên họ gần như chưa hiểu gì về thủ tục của Việt Nam. “Khi họ tìm hiểu kỹ thì chắc chắn họ sẽ e sợ”- ông Hiệp nêu quan điểm.
Bắt đầu từ thể chế
Đại diện doanh nghiệp này cũng cho rằng, tham gia TPP, điều đầu tiên là cần cải thiện thể chế nhưng điều đó lại không nằm trong tay doanh nghiệp mà nằm trong tay cơ quan khác.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đạt cho biết, từ nay đến khi TPP có hiệu lực, thời gian chuẩn bị còn lại rất ít. Do đó, Nhà nước cần xem xét lại cơ chế chính sách để thích ứng với TPP, nếu không làm được điều này sẽ rất khó để tận dụng TPP.
“Nhà nước cần nhanh chóng đẩy nhanh cổ phần hóa, nếu trong năm 2016 chưa xong thì sẽ rất thiệt khi tham gia TPP. Cổ phần hóa cũng không nên giữ tỷ lệ doanh nghiệp Nhà nước quá cao (51%), mà chỉ nên giữ ở mức từ 20 đến 30%”- ông Đạt đề xuất.
Đặc biệt, công tác dự báo được vị chuyên gia này nhấn mạnh bởi lẽ hiện dự báo về tác động của TPP có rất nhiều nhưng lại rời rạc, chưa có một cơ quan, đơn vị nào tổng hợp thông tin. Do vậy, phải có dự báo sớm để doanh nghiệp có sự chuẩn bị.
Còn về phía doanh nghiệp, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam có nhận định khá hay: “Nếu tạo được không gian cạnh tranh tốt, điều kiện vĩ mô thuận lợi thì doanh nghiệp Việt Nam không phải lo gì. Tự doanh nghiệp cũng xử lý được vấn đề của mình bởi doanh nghiệp Việt Nam đủ khôn ngoan, nhạy bén để xoay chuyển đúng tình thế”.