【cái uy tín】Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý
(CMO) “Thường xuyên kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện; kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị thực hiện chưa tốt. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát”, đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tại phiên họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tháng 7, chiều ngày 8/8. Cùng chủ trì phiên họp có các Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, Lê Văn Sử và Nguyễn Minh Luân.
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đánh giá, các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, nhất là tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là mưa lớn, dông, lốc xoáy, sóng lớn trên biển đã gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân.
Đánh giá về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đến nay toàn tỉnh đã giải ngân đạt khoảng 1.487 tỷ đồng, bằng 38,7% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Tiến độ này tuy có cao hơn so với bình quân chung của cả nước, song vẫn còn thấp hơn so với yêu cầu. “Tỉnh rất cần giải ngân vốn đầu tư nhanh để tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút thêm các dự án đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp. |
Tại hội nghị, bên cạnh các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế - xã hội, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo đánh giá, từ đầu năm đến nay cả số lượng, tổng vốn đầu tư các dự án mới còn thấp so với năm 2021; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kế hoạch; một số công trình, dự án đầu tư tư nhân chưa đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy định.
Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (bao gồm vốn năm 2021 chuyển sang), toàn tỉnh được phân bổ 3.848 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân đạt khoảng 1.487 tỷ đồng, bằng 38,7% kế hoạch.
Liến quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết, đến thời điểm này thành phố đã giải ngân đạt 55% và đang chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu đến ngày 31/12 sẽ giải ngân đạt tiến độ như đã cam kết là trên 90%.
Đối với huyện Trần Văn Thời, tiến độ giải ngân đến thời điểm này cũng đã đạt 52,4% và Chủ tịch UBND huyện Trần Tấn Công cũng cam kết đến cuối năm hoàn thành tiến độ giải ngân theo kế hoạch.
Theo nhiều chủ đầu tư, khó khăn lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay chính là do một số nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn trong Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh được bố trí chủ yếu cho các dự án, công trình khởi công mới, nên đến khoảng quý II/2022 mới khởi công và phát sinh khối lượng để giải ngân. Ngoài ra, do giá vật liệu, xăng dầu tăng trong những tháng đầu năm nên đối với các gói thầu thi công xây dựng quy mô nhỏ gặp khó khăn. Một số dự án sử dụng vốn ODA đang ở bước điều chỉnh dự án hoặc đang ở bước điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công - dự toán.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư các công trình liên quan đến dự án nâng cấp đê biển Tây hiện còn chậm. |
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, năm 2022 nguồn vốn do Sở làm chủ đầu tư có khả năng không giải ngân hoàn thành kế hoạch, trong đó tập trung chủ yếu là nguồn vốn ODA được phân bổ vốn vượt nhu cầu. Tiêu biểu như nguồn vốn thực hiện dự án thoát nước và xử lý nước thải của TP Cà Mau, đang trong quá trình điều chỉnh dự án nên khó có thể giải ngân hết trong năm 2022. Tuy nhiên, trên tinh thần Sở sẽ tập trung quyết liệt để giải ngân đạt cao nhất có thể.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt nhận định, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch. Đặc biệt trong thực hiện các hồ sơ thủ tục đối với các dự án lớn, trọng điểm còn chậm; việc giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Ngoài ra, tiến độ lập quy hoạch còn chậm, đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp…
Từ những hạn chế trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tự rà soát, kiểm điểm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong thời gian qua, từ đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp làm việc.
Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tuyến tránh Quốc lộ 1A là một trong những dự án còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. |
“Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn các công trình, dự án giải ngân chậm, không đảm bảo tiến độ chuyển sang các công trình, dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn theo quy định. Tập trung quyết liệt giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Quản lý đất đai, quản lý xây dựng, nhất là đất công phải được quản lý chặt từ cơ sở”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, tiếp tục hỗ trợ các mô hình hiệu quả, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhanh chóng tiến hành tổ chức lại sản xuất và hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời chỉ đạo về công tác chủ động phòng tránh, thường xuyên kiểm tra, gia cố những công trình phòng, chống thiên tai như kiểm tra, rà soát các khu tái định cư để sớm hoàn thành cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tiến hành hỗ trợ đánh bắt thuỷ hải sản,... để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai. Tăng cường tuyên truyền, đồng thời quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài./.
Nguyễn Phú