Trong từng bước phát triển của mình, ngành Kho bạc đều rất chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong thời điểm hiện nay khi đã trở thành Kho bạc điện tử và đang hướng tới Kho bạc số trong tương lai.
Chú trọng nguồn nhân lực chất lượng
Ông Viên Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, trong giai đoạn đầu thành lập và đi vào hoạt động, chất lượng đội ngũ công chức KBNN còn nhiều bất cập. Với tổng số gần 7.500 cán bộ, nhân viên chủ yếu từ hai ngành Tài chính và Ngân hàng chuyển sang KBNN, chỉ có 14,6% công chức có trình độ đại học, trên 45% có trình độ trung học, số còn lại gần 40% chỉ mới đào tạo bậc sơ cấp hoặc chưa đào tạo về chuyên môn. Đến nay, đội ngũ công chức KBNN đang ngày càng được củng cố, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ công chức, viên chức đều có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản, có trình độ tin học, ngoại ngữ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, có kiến thức pháp luật. Với hơn 1,3 vạn công chức, viên chức trong toàn ngành, có tới hơn 84,5% công chức, viên chức có trình độ đại học và trên đại học, trong đó công chức, viên chức có trình độ cao đẳng, trung cấp trở xuống chiếm 15,5%. Bên cạnh lớp thế hệ công chức đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, gắn bó và cống hiến nhiều năm cho ngành, KBNN còn có một đội ngũ công chức trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo chính quy, năng động, tự tin, có trình độ và kỹ năng khá chuyên nghiệp.
“Có được đội ngũ cán bộ đạt chất lượng như vậy là do KBNN đã có quy trình đào tạo cán bộ thường xuyên và đều khắp thông qua các hình thức đào tạo dài hạn cho các cán bộ chuyên sâu, đào tạo ngắn hạn cho cán bộ đi luân chuyển và đào tạo tiền công vụ cho cán bộ mới tuyển dụng” - ông Dũng cho biết.
Để trở thành kho bạc điện tử như Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã đề ra phải cần có đội ngũ công chức chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, KBNN đã đặc biệt chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, đủ trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức, đáp ứng được yêu cầu của một kho bạc hiện đại. Đồng thời, KBNN tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin để các cấp, ngành có liên quan và đội ngũ công chức, viên chức KBNN nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của quá trình cải cách hoạt động KBNN.
Đặc biệt, theo ông Dũng, KBNN đã rất chú trọng đến việc tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo chuyên sâu tại các nước tiên tiến, xây dựng các chương trình, dự án hợp tác với các nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng; mời chuyên gia nước ngoài về KBNN tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu về các nội dung quản lý tài chính cho các công chức, viên chức trẻ có năng lực. Bên cạnh đó, KBNN cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho công chức, viên chức đi học tập nâng cao trình độ (học văn bằng hai, sau đại học) trong và ngoài nước...
Tinh gọn bộ máy gắn với cải cách, hiện đại hóa
Ngoài việc làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, thời gian qua, toàn hệ thống KBNN đã làm rất tốt việc tinh gọn bộ máy, theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 04/NQ- BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính (thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW).
Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ trong quản lý, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức hệ thống KBNN cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Việc giao và sử dụng biên chế trong các đơn vị KBNN được thực hiện thống nhất, theo đúng quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính đồng thời đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả biên chế được giao.
Đến nay, hệ thống KBNN đã cắt giảm được 1.840 biên chế so với năm 2015, giảm được 11,8% so với năm 2015 (đạt 118% kế hoạch đến 2021). Tỷ lệ cắt giảm đã đạt trên 10% theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị.
|
Việc kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của KBNN được thực hiện đồng bộ với cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và hiện đại hóa công nghệ quản lý. Các cải cách này đã thay đổi tư duy làm việc từ thủ công sang quản lý, xử lý công việc theo hướng chủ động, chuyên nghiệp thông qua các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; từ đó đã tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị dự toán và các chủ đầu tư có quan hệ giao dịch với KBNN; góp phần tiết kiệm thời gian, công sức chung cho toàn xã hội và giúp hệ thống KBNN tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy và con người.
Với đích đến mới là kho bạc số, KBNN xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị KBNN và cả hệ thống KBNN phù hợp với công cuộc cải cách hành chính nhà nước nói chung và của ngành Tài chính nói riêng
Theo đó, KBNN sẽ bổ sung, cập nhật các kiến thức mới giúp lãnh đạo cấp tổng cục tăng cường khả năng hoạch định chiến lược, cơ chế, chính sách về ngành, lĩnh vực được giao quản lý; chỉ đạo tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành có hiệu quả; tăng cường khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Đồng thời, KBNN tăng cường khả năng tham mưu, nghiên cứu, xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất các giải pháp thực hiện về lĩnh vực chuyên môn được giao; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả; tăng cường khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đối với đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo cấp vụ và tương đương, cấp phòng và tương đương tại cơ quan KBNN.
Đối với công chức lãnh đạo KBNN cấp tỉnh, cấp phòng và tương đương thuộc KBNN cấp tỉnh, KBNN cấp huyện, KBNN đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng tham mưu, đề xuất với KBNN cấp trên và chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo tại cơ quan KBNN sẽ được đào tạo tăng cường về khả năng và kỹ năng nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất các giải pháp thực hiện về lĩnh vực chuyên môn được giao cũng như khả năng làm việc độc lập, theo nhóm và làm việc trong môi trường quốc tế.
Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo tại KBNN cấp tỉnh sẽ được tăng cường khả năng và kỹ năng triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách; khả năng tác nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ được giao.
Kho bạc Nhà nước đã cắt giảm nhiều đầu mối, vị trí Từ năm 2015 đến nay, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã cắt giảm được 2.322 đầu mối (trong đó giai đoạn từ 30/6/2017 đến 1/3/2021 giảm được 1.533 đầu mối) và giảm hơn 3.200 vị trí lãnh đạo từ cấp tổ đội trở lên. Cụ thể, giảm được 251 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh (giảm 44% so với năm 2015); giảm 73 KBNN cấp huyện (giảm trên 10% so với năm 2015); xóa bỏ 1.998 phòng và tổ (tương đương cấp tổ đội) thuộc KBNN cấp huyện (xóa bỏ 100% so với năm 2015). Về sắp xếp, bố trí cán bộ, KBNN đã cắt giảm hơn 650 vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương; cắt giảm hơn 2.600 công chức lãnh đạo cấp tổ (đội). |
Vân Hà