(CMO) Hiện nay, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông (TGGT) đường thuỷ nội địa giảm đáng kể. Ngoài ra, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) được lực lượng Cảnh sát đường thuỷ triển khai thực hiện thường xuyên.
Trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ TNGT đường thuỷ, làm chết 13 người và bị thương 3 người (tăng số vụ và người chết so với năm 2015). Tăng cường thực hiện các giải pháp kéo giảm TNGT, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ năng tuyên truyền và biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm Luật Giao thông đường thuỷ nội địa; quy tắc giao thông và hệ thống tín hiệu; biển báo hiệu đường thuỷ nội địa Việt Nam; kỹ thuật điều động phương tiện thuỷ… cho cán bộ làm công tác quản lý các xã, phường, thị trấn. Song, những tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT, làm chết 3 người, bị thương 7 người (tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2016).
Lực lượng Cảnh sát đường thuỷ tăng cường TTKS an toàn giao thông đối với các phương tiện đường thuỷ. |
Tuy hệ thống giao thông đường bộ phát triển nhanh ở khu vực nông thôn, nhưng Cà Mau vẫn là vùng sông nước với nhiều kinh, rạch đan xen mà thực tế thì hệ thống báo hiệu chỉ dẫn cho tàu, ghe hoạt động (nhất là ở các tuyến sông trọng điểm) còn thiếu; nhiều đoạn sông quanh co nhưng các ngành chức năng chưa cắm biển báo hiệu; luồng hoạt động của tàu thuyền một số nơi bị cạn, chưa nạo vét kịp thời; vật chướng ngại trên sông như đáy neo, đáy bè, đáy cá kèo… chưa giải toả triệt để.
Trước thực trạng trên, một số địa phương chưa thật sự quan tâm giải toả và quản lý chống tái chiếm. Mặt khác, việc quy hoạch phân luồng trên các tuyến sông chưa nhất quán, chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng, dẫn đến tình trạng các tuyến sông, kinh mới cải tạo chưa đồng bộ.
Trong khi đó, lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát đường thuỷ quá mỏng, thiếu phương tiện hoạt động nên chưa đáp ứng yêu cầu công tác đảm bảo trật tự ATGT. Hơn hết vẫn là ý thức quá kém của một bộ phận người tham gia giao thông (TGGT). TNGT thường xảy ra vào ban đêm và phương tiện gây tai nạn chủ yếu là thuỷ gia dụng. Thế nhưng, người TGGT vẫn chủ quan đi ban đêm không trang bị đèn tín hiệu, điều khiển phương tiện có nồng độ rượu bia vượt mức cho phép, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, điều khiển phương tiện nhưng không có bằng cấp chuyên môn…
Trung tá Lý Thanh Vũ, Phó Trưởng Trạm Cảnh sát đường thuỷ huyện Năm Căn - Phòng Cảnh sát đường thuỷ, cho biết: “Qua công tác TTKS, phần đông người TGGT (chủ yếu là sử dụng phương tiện thuỷ nội địa) không mang theo bất kỳ giấy tờ có liên quan, trong đó không ít trường hợp phương tiện chưa đăng kiểm, đăng ký, người điều khiển không có chứng chỉ lái phương tiện. Nhưng hằng ngày họ vẫn thản nhiên dùng phương tiện đi lại trên sông, kinh, rạch để mua sắm, làm ăn… bất chấp sự nguy hiểm cho các phương tiện khác và thường biện giải nhiều lý do để đối phó khi phát hiện có lực lượng TTKS”.
Mở cao điểm xử lý
Theo ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh: “Đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ nội địa, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể. Song, để thực hiện hiệu quả các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, các cơ quan thành viên, chính quyền địa phương, ban ATGT các huyện, các đơn vị liên quan… cần xây dựng quy chế phối hợp, quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong TTKS, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường thuỷ nội địa”.
Thực hiện chương trình hành động của Ban ATGT tỉnh và chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát đường thuỷ đã xây dựng Kế hoạch số 02/KH-PC68 về “Mở cao điểm xử lý chuyên đề đối với các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT (đặc biệt là phương tiện có công suất dưới 16CV)”. Kế hoạch trên được triển khai thực hiện vào cuối tháng 3/2017.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ sẽ chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng ở cơ sở thực hiện đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong học đường và sâu rộng đến vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
Theo Trung tá Đoàn Thanh Khải, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát đường thuỷ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ sẽ tăng ca, tăng lượt cán bộ, chiến sĩ tập trung TTKS lưu động trên các tuyến Trung ương và địa phương quản lý (cả ngày lẫn đêm), cương quyết xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: đi đêm không có đèn chiếu sáng, phương tiện không đăng kiểm, đăng ký, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ.
“Đảm bảo TTKS có trọng tâm, trọng điểm mang lại hiệu quả cao, lực lượng làm nhiệm vụ phải chủ động nắm bắt tình hình, tuyến địa bàn, xác định thời gian, đối tượng, loại phương tiện thường xuyên TGGT… Đồng thời, quá trình TTKS, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội… hoạt động trên đường thuỷ nội địa. Cũng như sẽ đề xuất, kiến nghị những giải pháp khắc phục, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông trên đường thuỷ nội địa”, Trung tá Đoàn Thanh Khải cho biết.
Kế hoạch chặt chẽ, sự nhập cuộc quyết liệt của lực lượng Cảnh sát đường thuỷ cùng sự chung tay, tiếp sức của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ kéo giảm TNGT trong thời gian tới./.
Mỹ Pha - Đức Duy