Đảm bảo có lợi nhuận định mức Để khuyến khích thu hút đầu tư cung cấp dịch vụ công, theo Bộ Tài chính, cần quy định cơ chế phù hợp, Chính phủ trình Quốc hội quy định về nguyên tắc xác định mức thu phí như sau: “Mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm bù đắp chi phí, thu hồi vốn, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ; mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thời gian thu hồi vốn, có lợi nhuận định mức, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.
Đã chuyển sang giá, vẫn “mang tên” phí
Trên thực tế, mức phí của 2 lĩnh vực lớn là giáo dục và y tế hiện đã chuyển sang cơ chế giá. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP với “tinh thần mạnh mẽ hơn nhiều về xã hội hoá đơn vị sự nghiệp công”, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, một trong những trọng tâm của Nghị định mới này là chuyển từ cơ chế phí thành cơ chế giá, góp phần đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, hướng tới trước mắt sẽ đưa tiền lương vào giá dịch vụ y tế…
Theo Bộ Tài chính, Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí, lệ phí đã được Chính phủ quy định chi tiết thành 301 khoản phí và lệ phí (171 khoản phí và 130 khoản lệ phí). Tổng hợp số thu NSNN từ phí, lệ phí từ năm 2011-2013 cho thấy, năm 2011: 42.023 tỷ đồng; năm 2012: 29.112 tỷ đồng; năm 2013: 31.271 tỷ đồng. Số thu phí, lệ phí so với tổng thu NSNN năm 2011 bằng 5,8%, năm 2012 bằng 3,9%, năm 2013 bằng 3,8%. Tỷ lệ để lại và nộp NSNN đối với các cơ quan hành chính là 60%, nộp NSNN 40%; đối với các đơn vị sự nghiệp: Tỷ lệ để lại là 90%, nộp NSNN 10%. Với kết quả đó cho thấy, qua thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí đã góp phần tạo nguồn thu cho NSNN.
Tuy nhiên, qua tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, phải kể đến việc Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, một số khoản phí đã chuyển sang cơ chế giá dịch vụ; một số khoản phí có tên trong Danh mục nhưng chưa phát sinh. Cùng với đó, việc thực hiện cơ chế thị trường về phí đối với một số khoản phí có tính chất dịch vụ còn chậm, chưa đảm bảo theo lộ trình, định hướng tại các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội.
Qua thống kê cho thấy, hiện có 5 khoản phí quy định trong Danh mục nhưng pháp luật chuyên ngành đã quy định thực hiện theo cơ chế giá, cần đưa các khoản phí này ra khỏi Danh mục trong dự thảo Luật Phí và lệ phí, gồm: Viện phí, phí đấu thầu, học phí, phí giám định tư pháp, phí kiểm định đo lường chất lượng. Hầu hết, các khoản phí nêu trên, qua rà soát cho thấy có khả năng xã hội hóa cao, cần chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá, nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật Phí và lệ phí, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá. Bởi theo cơ quan này, học phí, viện phí đang thực hiện theo cơ chế giá, các quy định này đã được thể hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá.
Vẫn thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ % tài sản Đối với lệ phí, quy định như hiện hành. Theo đó: “Mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; riêng mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ”. Về lệ phí trước bạ, theo Bộ Tài chính, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các nước đều có khoản thu liên quan đến đăng ký tài sản. Tuy nhiên, mỗi nước thực hiện thu khác nhau. Một số nước thực hiện thu thuế (Hàn Quốc là thuế đăng ký và cấp phép, Trung Quốc là thuế mua sắm phương tiện...), một số nước thu lệ phí đăng ký (Úc, Mỹ...) mức thu tính theo mức cố định hoặc tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản. Hiện Việt Nam đang thu lệ phí trước bạ tính theo tỷ lệ % nhưng có quy định mức trần thu (500 triệu đồng/lần/tài sản). Do đó, lệ phí trước bạ không phải là thuế tài sản như các nước. Vì vậy, dự thảo Luật kế thừa quy định hiện hành về lệ phí trước bạ, nghĩa là được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ.
Vẫn quy định giá để đảm bảo an sinh xã hội
Những năm gần đây, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã được ban hành theo hướng đổi mới, nhất là đối với việc đổi mới cơ chế hoạt động của khu vực sự nghiệp công. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện thông báo Kết luận số 37-TB/TW của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp đã xác định: “Thực hiện có lộ trình việc xoá bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và đảm bảo lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công”. Chính vì vậy, cần thiết phải sửa đổi pháp luật về phí, lệ phí nhằm phù hợp với chủ trương nêu trên.
Để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công cần thiết rà soát các khoản phí chuyển các khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ. Theo đó, chỉ các dịch vụ công liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý Nhà nước (công việc chỉ có cơ quan Nhà nước thực hiện) như: Phí phòng dịch y tế, phí thẩm định cấp giấy phép hành nghề... thì quy định thu phí. Với nguyên tắc này, Chính phủ tiếp tục rà soát và chuyển 19 khoản phí trong Danh mục (ngoài 18 khoản phí cần bãi bỏ hoặc chuyển sang giá) sang thực hiện theo cơ chế giá.
Việc chuyển các khoản phí này đã có tính đến sự phù hợp với quy định pháp luật về giá để đảm bảo việc chuyển sang cơ chế giá không ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ này. Cụ thể nhóm này được phân thành 2 loại. Thứ nhất, là các khoản phí chuyển sang cơ chế giá thị trường gồm 2 hình thức: Doanh nghiệp tự định giá như: Phí giới thiệu việc làm, phí đấu giá,.. các dịch vụ này có nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp (thực tế các Trung tâm giới thiệu việc làm cũng đang thu theo cơ chế giá). Hình thức thứ hai là doanh nghiệp kê khai giá như: Phí bến bãi, phí kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa... Thứ hai, là các khoản phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá, gồm các khoản phí thu từ dịch vụ có ít đơn vị cung cấp hoặc dịch vụ dễ độc quyền, như: Phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT, phí chợ, phí bến bãi...
Về bản chất, các khoản thu này đang thực hiện theo cơ chế giá. Nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn, không nộp NSNN (như phí đường bộ qua trạm thu BOT). Tuy nhiên, do các dịch vụ này liên quan đến an sinh xã hội nên Nhà nước cần quy định giá để đảm bảo xác định thời gian thu hồi vốn hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Như vậy, việc chuyển các khoản phí này sang thu theo giá không tác động đến số thu NSNN.
Trả lời báo chí mới đây trong phiên họp báo thường kỳ quý của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, mục tiêu của Luật Phí và lệ phí nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới đơn vị sự nghiệp công và thúc đẩy xã hội hóa để dịch vụ công có chất lượng ngày một tốt hơn, đồng thời huy động được các nguồn lực xã hội cùng tham gia. Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, việc chuyển mạnh các khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ, sẽ chia làm 2 loại: Một là khi đã vận hành theo cơ chế giá thị trường rồi thì hoàn toàn theo cơ chế giá thị trường; còn nhóm thứ hai, mặc dù đã chuyển sang giá dịch vụ nhưng vẫn cần sự kiểm soát của Nhà nước như học phí, viện phí. Theo đó, Nhà nước định giá hoặc có khung giá cụ thể.
“Chính phủ đã ban hành lộ trình xã hội hóa. Ví dụ viện phí, trước mắt từ năm 2014-2015 sẽ tính một phần các chi phí trực tiếp vào một giá; đến năm 2016 tính đủ trong giá dịch vụ các chi phí trực tiếp, tiền lương; và đến năm 2018 cơ bản tính đủ. Ngoài ra, Chính phủ đã đồng ý cho thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ tại 5 trường đại học, những trường chưa thí điểm sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm. Giao quyền tự chủ cho các đơn vị sẽ nâng cao dịch vụ công và thu hút nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các đơn vị nâng cao chất lượng phục vụ tốt hơn!”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.