Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Tổng Bí thư,ổngthốkết quả nữ barca Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló và Phu nhân thăm Việt Nam.
Đón đoàn tại sân bay có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh; Đại sứ Việt Nam tại Maroc kiêm nhiệm Guinea-Bissau Lê Kim Quy; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và lãnh đạo một số cục, vụ thuộc Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Tổng thống Guinea-Bissau kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Dự kiến lễ đón Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló và Phu nhân sẽ diễn ra vào hôm nay (6/9) tại Phủ Chủ tịch do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân chủ trì.
Hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm và chứng kiến ký kết văn kiện hợp tác. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló và Phu nhân sẽ có một số hoạt động quan trọng khác.
Việt Nam và Guinea-Bissau thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/9/1973, vài ngày sau khi quốc gia này tuyên bố độc lập.
Trong đường lối đối ngoại, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và mong muốn phát triển hợp tác nhiều mặt với các quốc gia bạn bè ở châu Phi, trong đó có Guinea-Bissau.
Guinea-Bissau coi Việt Nam là đối tác hợp tác ưu tiên trong chính sách ngoại giao của mình và sẵn sàng mở rộng hợp tác thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.
Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Guinea-Bissau trên thế giới. Guinea-Bissau là một trong 5 đối tác cung ứng nguyên liệu hạt điều lớn nhất cho Việt Nam tại châu Phi trong nhiều năm qua.
Hai nước duy trì hợp tác trong nhiều lĩnh vực đã ký kết Hiệp định song phương bao gồm văn hóa, kinh tế, thương mại, công nghiệp và khoa học kỹ thuật. Hai nước thường xuyên phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương
Trong các cuộc tiếp xúc song phương, hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là thúc đẩy chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước; phối hợp ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, làm cầu nối hỗ trợ nhau tăng cường hợp tác với các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế xã hội, xây dựng chính sách.
Hai bên cũng mong muốn thúc đẩy trao đổi thông tin, cơ hội hợp tác, kết nối doanh nghiệp giữa hai nước; tiếp tục phát huy các mặt hàng trao đổi thương mại chủ lực như hạt điều và mở rộng sang các mặt hàng tiềm năng khác như nông sản, dệt may… ký kết các văn kiện hợp tác song phương về nông nghiệp, cảng biển, thương mại…
Về hợp tác nông nghiệp, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Guinea-Bissau phát triển nông nghiệp thông qua các dự án hợp tác nông nghiệp song phương hoặc ba bên; qua đó từng bước giúp Guinea-Bissau bảo đảm và tự chủ an ninh lương thực.