Khách du lịch tại Bali,ịchchâuÁlịch thi đáu Indonesia. Nguồn: AFP/TTXVN
Du lịch ở châu Á-Thái Bình Dương đã tăng trưởng nhanh trở lại kể từ khi khu vực này mở cửa lại biên giới cho các chuyến du lịch đường dài và khu vực.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của công ty du lịch Arival (Thái Lan), phải đến năm 2025 thì “ngành công nghiệp không khói” - đặc biệt là các hoạt động du lịch và điểm tham quan, mới vượt qua mức đỉnh từng đạt được trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Với tiêu đề “Triển vọng trải nghiệm du lịch 2019-2025," nghiên cứu của Arival dự báo rằng ngành du lịch châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt doanh thu 67 tỉ USD vào năm 2024 và 75 tỷ USD vào năm 2025.
Giám đốc điều hành của Arival, ông Douglas Quinby, cho biết khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã hứng chịu đợt đại dịch tồi tệ nhất và buộc phải đóng cửa biên giới. Nhưng nhu cầu đi lại trong khu vực đang tăng nhanh khi nhiều biên giới đã được mở và khuyến khích du khách quay trở lại du lịch và chi tiêu. Thách thức bây giờ đối với ngành du lịch toàn cầu là chuẩn bị sẵn sàng cho dòng nhu cầu tăng nhanh từ khắp châu Á-Thái Bình Dương.
Lượng đặt phòng trực tuyến trên khắp châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng hơn gấp 3 lần trong giai đoạn 2019-2025 khi nhóm khách du lịch trẻ tuổi được xem là nhân tố sẽ định hình sự phục hồi của ngành Du lịch. Các nền tảng trực tuyến trên toàn khu vực sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng này.
Theo ông Quinby, khách du lịch thế hệ Gen Z (sinh sau năm 1995) và Millennials (sinh từ 1981-1995) khao khát trải nghiệm ở châu Á và sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ du lịch. Do đó, các nhà khai thác cần chuẩn bị để đáp ứng những nhu cầu du lịch mới từ nhóm du khách trẻ này, ví dụ như tổ chức tour theo nhóm nhỏ, tour mang tính khám phá và có thể đặt trước trên điện thoại di động, với những khoảnh khắc đáng giá có thể đăng trên mạng xã hội như Instagram và TikTok.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại dự kiến sẽ thúc đẩy du lịch hơn nữa, với ít nhất 5 triệu lượt du khách Trung Quốc sẽ đến Thái Lan trong năm nay - tương đương khoảng một nửa so với con số trước đại dịch.
Tổng cục Du lịch Thái Lan cũng báo cáo sự gia tăng đáng kể lượng khách du lịch Trung Đông đến Thái Lan để du lịch chữa bệnh. Thị phần của nhóm này đã tăng từ 1,8% năm 2019 lên 4,3% năm 2022.
Một dấu hiệu tích cực khác là sự gia tăng lượng khách du lịch châu Âu và Mỹ lưu trú dài ngày. Mức chi tiêu bình quân đầu người được ghi nhận vào năm 2022 đã tăng lên do lạm phát cũng như chi phí ăn ở tăng cao, hiện đã được điều chỉnh từ mức giá “mùa thấp điểm” trong đại dịch.
Đánh giá của Oxford Economics ngày 13.3 cho biết khách du lịch dự kiến sẽ trở lại nhiều hơn trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay, mặc dù lạm phát còn cao và các rào cản cơ cấu có thể sẽ khiến lĩnh vực công nghiệp quan trọng này vẫn còn cách xa mức trước đại dịch Covid-19.
Oxford Economics ước tính lượng khách du lịch trên toàn khu vực trong năm nay sẽ bằng 50% so với mức của năm 2019 và sự phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch sẽ lùi tới năm 2025 hoặc năm 2026.
Ông James Lambert, Giám đốc tư vấn kinh tế của Oxford Economics châu Á, nhận định thế giới nói chung đang ghi nhận sự phục hồi đáng kể từ đáy sâu đại dịch Covid-19, nhưng tại châu Á-Thái Bình Dương, sự phục hồi diễn ra chậm hơn. Nguyên nhân một phần vì lạm phát vẫn đang gia tăng trên toàn thế giới khiến nhiều người phải cân nhắc chi tiêu cho du lịch.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn phụ thuộc quá lớn vào khách du lịch Trung Quốc, trong khi quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn còn áp dụng nhiều thủ tục cấp thị thực và chuyến bay còn hạn chế.
Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của IHG Hotels & Resorts, ông Rajit Sukumaran cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại vào cuối năm ngoái vẫn chưa dẫn đến sự gia tăng lớn về lượng khách đến khu vực, mặc dù những nơi như Bali (Indonesia) và một số điểm du lịch của Việt Nam sẽ sớm đón nhiều du khách hơn.
Ông Sukumaran cũng tin rằng năm nay là thời điểm tốt để các công ty khách sạn tập trung phát triển nhân lực và đáp ứng nhiều hơn cho thị hiếu đang thay đổi của khách hàng.
Dữ liệu khảo sát gần đây của Booking.com chỉ ra rằng khách du lịch muốn những điều khác biệt trong chuyến đi của họ so với thời trước đại dịch Covid-19.
Theo Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Booking.com, bà Laura Houldsworth, điều đó phần nào nói lên sở thích của khách du lịch về trải nghiệm mang tính cá nhân hơn và mong muốn khám phá những địa điểm mới.
TTXVN