Nhiều chuyển biến tích cực
Điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành nuôi trồng và khai thác thuỷ sản tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Vì vậy, công nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu đóng vai trò quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp. “Những năm qua, cơ sở công nghiệp chế biến thuỷ sản đã tăng lên cả về số lượng và quy mô, được đầu tư cả chiều rộng và chiều sâu”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng đánh giá.
Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng vẫn còn chậm và không đều, sản phẩm chủ yếu là chế biến thuỷ sản đông lạnh. |
Tính đến nay, toàn tỉnh có 33 doanh nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu thuỷ sản, với tổng công suất thiết kế chế biến tôm trên 250 ngàn tấn/năm. Đặc biệt, thiết bị, công nghệ, trình độ quản lý sản xuất được đánh giá là hiện đại và ngang tầm các nước trong khu vực. Điều này được thể hiện rõ nhất là các mặt hàng thuỷ sản của tỉnh đã có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhất là các thị trường vô cùng khó tính như: Nhật, Mỹ hay EU. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 50 cơ sở sơ chế, chế biến tôm, mực, 24 cơ sở thuỷ sản khô, 3 cơ sở chả cá.
Bên cạnh ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản, một số mặt hàng chủ lực khác cũng đã hình thành nhà máy, cơ sở chế biến bằng dây chuyền máy móc hiện đại hơn. Có 2 cơ sở xay xát lúa có công suất trên 18.000 tấn/năm, 3 nhà máy sơ chế chuối xiêm, 1 doanh nghiệp sản xuất, đóng gói gạo hữu cơ. Đối với lâm sản, toàn tỉnh hiện có 146 tổ chức, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh lâm sản với 37 doanh nghiệp, 109 hộ kinh doanh cá thể...
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển đã đưa ngành chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản và thực phẩm hiện là ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của tỉnh Cà Mau, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nền kinh tế của tỉnh đã có những bước tiến tích cực trong giai đoạn 2013-2017. Tổng sản phẩm GRDP theo giá thực tế năm 2017 đạt 46,6 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với 36,85 nghìn tỷ của năm 2013.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây có sự chuyển dịch mạnh mẽ, từ phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp sang đa dạng kết hợp giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã giảm mạnh, từ 37% năm 2013 còn 27% vào năm 2017. Trong khi đó, các ngành dịch vụ đã tăng gần gấp đôi, từ 27% lên 42% trong giai đoạn 2013-2017.
Vẫn còn chậm và không đều
Mặc dù có nhiều bước tiến quan trọng, song theo ông Bằng đánh giá, sức cạnh tranh và hiệu quả của công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản trong nền kinh tế thời gian qua là chưa cao, tăng trưởng vẫn còn chậm và không đều, sản phẩm chủ yếu là chế biến thuỷ sản đông lạnh.
Sự tăng trưởng còn chậm và không đều của ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản phần lớn xuất phát từ khâu tổ chức sản xuất. Đa phần các mặt hàng nông, thuỷ sản, kể cả các mặt hàng chủ lực của tỉnh sản xuất còn manh mún, tự phát, dẫn đến tình trạng nhiều lúc không kiểm soát được nguồn cung cho chế biến, xuất khẩu. Đặc biệt, chất lượng nông, thuỷ sản không đồng đều, khó kiểm soát về an toàn, khó đáp ứng những chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Điều này thể hiện trong việc thời gian qua sản phẩm xuất khẩu của tỉnh bị một số nước trả về do không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, suy giảm kinh tế, thị trường nguyên, nhiên liệu, thị trường đầu ra của sản phẩm bị ảnh hưởng mạnh do giá cả tăng cao... cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản của tỉnh.
Tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, tỉnh Cà Mau phải phát triển ngành tôm thành ngành công nghiệp sản xuất quy mô lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo này, hiện nay, tỉnh đang trình Bộ NN&PTNT xin hoàn thiện hồ sơ Đề án "Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau”. Theo đó, ông Bằng cho biết thêm, tỉnh đã xác định ngành hàng tôm sẽ là ngành hàng chủ lực cấp quốc gia của tỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh chú trọng phát triển nghề nuôi, sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến theo hướng đầu tư thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Mục tiêu tỉnh đặt ra từ nay đến năm 2025 là phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước và ngang tầm khu vực về công nghiệp chế biến thuỷ sản (sản phẩm tôm xuất khẩu), có sức lan toả, tác động đến phát triển công nghiệp vùng. Giai đoạn 2026-2030, phát triển một số nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản theo hướng hiện đại, từng bước chuyên môn hoá cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững.
Để đạt được mục tiêu này, trước hết phải hình thành chuỗi sản xuất từ vùng sản xuất nguyên liệu, chế biến đến khâu tiêu thụ với hệ thống phân phối đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng được mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các vùng nguyên liệu, được bố trí phù hợp để làm vệ tinh, có thể tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu để phục vụ cho chế biến xuất khẩu./.
Nguyễn Phú