Các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã chủ động cân đối,Đảmbảovốntndụngthumuatạmtrữlagạbdkq fa đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa gạo.
Thương lái đang thu mua lúa vụ Hè thu cho nông dân.
Ngày 10-8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Văn bản số 5747/NHNN-TD yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM) và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long thực hiện ngay các giải pháp để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc (lúa), gạo.
Để thực hiện chỉ đạo của NHNN, hiện nay các NHTM trên địa bàn Hậu Giang đã chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến lúa, gạo.
Ông Nguyễn Quốc Khởi, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Với sự chỉ đạo của NHNN, BIDV đã có chỉ đạo các chi nhánh chủ động làm việc với các doanh nghiệp thu mua lúa gạo có nhu cầu vay vốn, xem xét tạo điều kiện tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên tinh thần chỉ đạo của BIDV Việt Nam, chi nhánh đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Hiện nay, cho vay lương thực thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, BIDV đang áp dụng lãi suất ưu đãi là 5,5%/năm.
Theo Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Hậu Giang, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Trước hoàn cảnh đó, VietinBank đã triển khai gói giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp mùa dịch Covid-19 để chung tay với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định kinh doanh. VietinBank đã tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19. Hỗ trợ doanh nghiệp về mặt tài chính với ưu đãi giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm và miễn/giảm tới 20 loại phí giao dịch.
Ngay đầu quý III/2021, VietinBank đã tích cực gia tăng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm đối với các khoản dư nợ hiện hữu và giải ngân mới của khách hàng. Tính đến cuối 6 tháng vừa qua, đã hỗ trợ giảm lãi suất cho gần 3.500 khách hàng doanh nghiệp. Để tiếp sức cho doanh nghiệp và thực hiện chỉ đạo của NHNN, VietinBank đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa gạo.
Trong điều kiện thực hiện các giải pháp để phòng chống dịch Covid-19, các NHTM đã đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay và đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp. Chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân tiếp cận vốn phục vụ thu mua tạm trữ lúa gạo.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Hậu Giang cũng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Ông Lê Viết Quyền, Giám đốc Agribank chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Agribank Hậu Giang sẵn sàng đáp ứng đầy đủ và kịp thời nguồn vốn cho khách hàng thu mua, tạm trữ lúa gạo góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ, lúa gạo trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tính đến nay, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Hậu Giang thực hiện đạt 8.447 tỉ đồng với 51.170 khách hàng, tăng so với năm 2020 là 551 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 83,8% dư nợ cho vay nền kinh tế. Cho đến cuối tháng 7, dư nợ cho vay lúa gạo đạt 594,15 tỉ đồng.
Do tình hình dịch Covid-19, khách hàng đi lại để đăng ký giao dịch đảm bảo không được thuận lợi như trước đây, vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn cho khách hàng thu mua lúa gạo, đối với những khách hàng cũ thì Agribank Hậu Giang đã linh hoạt bằng cách tăng hạn mức cho vay để giải ngân cho khách hàng kịp thời. Còn đối với khách hàng mới có nhu cầu vay thì còn đang gặp khó trong vấn đề đi lại để đăng ký giao dịch đảm bảo tại phòng tài nguyên và môi trường ở các địa phương vì do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Bài, ảnh: T.XOÀN