Theo ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, sẽ đề xuất, kiến nghị các địa phương, ngành lao động xem xét, chú trọng với nghề khai thác biển.
Ông Tiến thông tin, qua nhiều chuyến giám sát tình hình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về việc làm trên địa bàn tỉnh, nhận thấy còn nhiều kiến nghị đối với UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH và UBND các huyện.
Từ năm 2015 đến tháng 7/2018, toàn tỉnh đào tạo 117.448 người theo Đề án 1956 của Chính phủ và tỷ lệ có việc làm 80%, chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp. Ông Nguyễn Đức Tiến cho hay: “Trong khi định hướng phát triển thời gian qua của tỉnh là tăng dần tỷ trọng lao động phi nông nghiệp, thì con số 80% lượng lao động qua đào tạo nghề có việc làm là đáng mừng, song họ sau khi có nghề lại quay lại với nghề nông. Chưa đảm bảo yêu cầu”.
Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cũng đã có báo cáo và nhiều đề xuất kiến nghị. Trong đó, kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo sắp xếp lại mạng lưới dạy nghề theo hướng tăng cường đầu tư cho Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc để xứng tầm là trường dạy nghề trọng điểm trong khu vực.
Ngành LĐ-TB&XH cần phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Thường xuyên tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung danh mục số ngành nghề mới gắn với điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn tài nguyên từng huyện, thành phố và đánh giá đúng nhu cầu lao động của thị trường.
Khi thuyền viên lành nghề họ sẽ làm chủ công nghệ và góp phần giữ vững an ninh vùng biển. |
Cần hướng đúng phương châm đào tạo nghề dịch chuyển dần sang hướng phi nông nghiệp. Trong đào tạo nghề lĩnh vực phi nông nghiệp, cần chú ý đến trình độ, lứa tuổi, đối tượng phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả và chất lượng sau khi đào tạo nghề.
Lĩnh vực nghề biển cho thuyền viên và hậu cần nghề cá, đã qua tuy có quan tâm đào tạo nhưng chưa đạt kết quả cao. Nghề sau khi đào tạo cũng chỉ dừng lại ở mức độ “tạm chấp nhận” để tàu thuyền tiếp tục ra khơi. Chưa nhận thấy công tác đào tạo có trọng tâm, trọng điểm nghề khai thác biển, trong khi như đã đánh giá, phân tích, với đội tàu trên 4.700 chiếc thì lượng thuyền viên (ngư phủ) cần trên 24.000 người, trong khi thời gian qua chỉ mới đáp ứng 28%, phần lớn là chức danh thuyền trưởng, máy trưởng.
Chúng ta đã và đang hiện đại hoá nghề khai thác biển. Đồng hành cùng đầu tư trang bị tàu thuyền hiện đại thì điều cốt yếu vẫn là lực lượng lao động để điều khiển thiết bị mới. Do vậy, “với vai trò là đại biểu HĐND, tôi sẽ kiến nghị vấn đề này đến UBND tỉnh và ngành lao động để có những điều chỉnh đào tạo nghề phù hợp hơn”, ông Tiến khẳng khái.
Mặt khác, ông Tiến còn đánh giá sâu về nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn nội tại trong đào tạo nghề của tỉnh thời gian qua, đó là: “Trong đào tạo nghề còn tiềm ẩn mâu thuẫn giữa yêu cầu dạy nghề công nghệ cao trong khi thiết bị dạy nghề đa phần không đáp ứng”.
Đào tạo nghề cho lực lượng thuyền viên là công việc hết sức quan trọng.
Lao động nghề biển cần phải được đào tạo để nâng cao hiệu quả khai thác. |
Theo ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, hiện nay, trình độ học vấn của ngư dân rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu khai thác, đánh bắt hiện đại và hướng tới thực hiện “Đề án khai thác viễn dương” của Chính phủ.
Do đó, để đảm bảo cho ngư dân có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, hiểu biết được luật pháp Việt Nam và quốc tế thì việc đào tạo nghề cho lực lượng thuyền viên là công việc hết sức quan trọng. Khi tay nghề của lực lượng lao động này được nâng lên, họ sẽ sử dụng và vận hành hiệu quả thiết bị hiện đại, có đủ hiểu biết và chấp hành tốt các chủ trương của Nhà nước về khai thác hải sản trên biển”, đó là nhận định khách quan của ông Sĩ.
Đồng thời, ông Sĩ cũng kiến nghị: Đối với các ngành, các cấp, đặc biệt UBND các xã, thị trấn ven biển cần có giải pháp hợp lý để tuyên truyền và vận động ngư dân tham gia các lớp đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề, nâng cao hiệu quả khai thác và tạo điều kiện cho ngư dân thực thi tốt pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực khai thác hải sản.
Nhà nước cần quan tâm, đảm bảo được nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ cho đào tạo lao động biển, đặc biệt là đào tạo thuyền viên cho đội tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 và sắp tới là Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018. Các tàu cá đóng mới này được trang bị các thiết bị hiện đại, nên đòi hỏi ngư dân vận hành phải có trình độ tương thích thì mới phát huy hết hiệu quả.
Các lực lượng chức năng như trạm kiểm soát biên phòng trong tỉnh cần kiểm tra chặt chẽ, tuyệt đối không cho tàu cá khai thác hải sản khi thuyền viên trên tàu chưa đủ chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn.
Ngoài công tác đào tạo cho lao động biển hiện nay, thời gian tới, đơn vị chú trọng vào việc nâng cao tay nghề hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời, phát triển chứng nhận thương hiệu cho các đặc sản của địa phương, đóng mới và sửa chữa tàu, đào tạo chuyên môn cho lực lượng lao động tàu dịch vụ hậu cần, chú trọng khâu bảo quản sản phẩm từ biển vào bờ, giảm tổn thất sau thu hoạch. Qua đó, giúp ngư dân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ một cách thuận lợi nhất, từ đó họ có khả năng đầu tư đóng tàu vật liệu mới, trang bị thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn và bám biển dài ngày.
Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho các chủ tàu cá hiện nay, vì đây là đối tượng quyết định đối với lực lượng lao động trên biển. Nâng cao năng lực quản lý tàu cá thông qua hệ thống giám sát hành trình, từ hệ thống này có thể kiểm soát được hoạt động của các tàu trên biển và phục vụ tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho ngư dân./.
Phong Phú