Ô tô 'nội' vừa thiếu vừa yếu
Ngành Công nghiệp sản xuất ô tô trong nước hiện có 56 doanh nghiệp tham gia sản xuất và lắp ráp,ảiphápnàođểngànhcôngnghiệpôtôpháttriểnđộtphákqbđ laliga gồm 38 doanh nghiệp trong nước (như Trường Hải, TMT, Vinaxuki…) và 18 doanh nghiệp nước ngoài (với các thương hiệu nổi tiếng như Ford, Mercedes, Toyota, GM...). Sản lượng sản xuất hàng năm của toàn ngành vào khoảng 460.000 sản phẩm, trong đó chủ yếu là xe con, xe tải và xe khách với sản lượng xe con trung bình đạt 200.000 sản phẩm mỗi năm, sản lượng xe tải và xe khách tương ứng là 215.000 sản phẩm mỗi năm...
Tuy nhiên, công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo thống kê của Tổ chức Quốc tế các nhà sản xuất ô tô (OICA), năm 2015, 38 doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước của Việt Nam xuất xưởng tổng cộng chỉ 50.000 chiếc xe ô tô (chiếm 10,87% tổng lượng ô tô được sản xuất trong nước), con số này đạt khoảng 0,055% tổng sản lượng xe toàn thế giới.
Như vậy, có tới 410.000 chiếc xe được sản xuất, lắp ráp bởi các doanh nghiệp nước ngoài (chiếm 89,13% tổng lượng ô tô được sản xuất ra), điều đó thể hiện ngành sản xuất ô tô của Việt Nam còn thiếu tính tự chủ và phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài.
Trong khi đó, trong năm 2015, các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc sản xuất lần lượt đạt 24,5 triệu chiếc; 12 triệu chiếc; 9,2 triệu chiếc; 6 triệu chiếc và 4,5 triệu chiếc (chiếm lần lượt 26,99%, 13,33%, 10,22%, 6,65% và 5,02% lượng xe sản xuất toàn thế giới).
Nếu chỉ tính trong khu vực ASEAN thì Việt Nam là nước đứng thứ 5 về sản lượng ô tô sau Thái Lan, Indonexia, Malaysia, Philipines, đặc biệt nếu so sánh với Thái Lan thì sản lượng ô tô chỉ bằng 1/40.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phát triển của ngành công nghiệp này là do sự thiếu hụt của các ngành công nghiệp phụ trợ, sự phát triển thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng giao thông cũng như chính sách liên quan của Chính phủ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo rằng, với việc Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng như ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, bên cạnh những thuận lợi, cũng sẽ gây ra không ít trở ngại với ngành công nghiệp vốn đã tồn tại nhiều khó khăn như hiện nay, đặc biệt là khi thuế nhập khẩu đánh vào ô tô trong khu vực ASEAN sẽ giảm về mức 0% vào năm 2018.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia nhận định rằng, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang ở "ngã ba đường" khi các nhà nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đang cạnh tranh gay gắt với các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước theo tiến trình tự do hóa nền kinh tế.
Các công ty lắp ráp xe trong nước lo ngại về việc thực thi điều khoản của ATIGA về bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Đến lúc đó, hàng loạt mẫu xe từ các nước Indonesia, Philippines hay Thái Lan sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam với giá thành rẻ hơn nhiều. Điều này lại đặt ra nhiều khó khăn hơn cho Việt Nam về bài toán thực hiện tỷ lệ nội địa hóa theo mục tiêu đề ra.
Như vậy, trong ngắn hạn có thể ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam ít chịu tác động của AEC, nhưng về dài hạn thì đây là vấn đề khá nan giải cho các nhà hoạch định chính sách cũng như thực thi cam kết của Việt Nam nhằm duy trì và phát triển ngành công nghiệp then chốt này.
Giải pháp để ngành sản xuất ô tô phát triển
Trong hội nhập vào AEC, nhằm tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế những thách thức, theo nhiều chuyên gia kinh tế, chiến lược trọng tâm để phát triển ngành ô tô cần tập trung vào phát triển công nghiệp phụ trợ để có sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm số doanh nghiệp trong công đoạn gia công lắp ráp, hướng đến cơ cấu sản xuất cân đối, thiên về doanh nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô cần dựa trên một số tiêu chí như: Phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô gắn với các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất sản phẩm chủ lực; gắn với lợi thế so sánh dài hạn; gắn với thị trường, đảm bảo lợi thế về quy mô, đồng thời có các cơ sở chế tạo và lắp ráp trong nước có khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành (cả doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp hỗ trợ), chú trọng thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách phát triển ngành rõ ràng trong dài hạn để phát triển bền vững cho thị trường ô tô lắp ráp trong nước cũng như thị trường kinh doanh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.
Ngoài ra, cần điều chỉnh dòng vốn thu hút FDI theo hướng thu hút có chọn lọc, thiên về chất lượng hơn số lượng, thu hút có điều kiện cả về kinh tế, xã hội và môi trường để tận dụng được lợi ích từ FDI mang lại như công nghệ hiện đại. Tăng cường chuyển giao hợp tác công nghệ với các đối tác trong khu vực để khắc phục những khâu yếu nhất của ngành công nghiệp ô tô, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, cần dần nâng cao tính đồng bộ, chất lượng của hạ tầng kỹ thuật giao thông. Hệ thống giao thông như đường xá, cầu cống… cần được xây mới, sửa chữa kịp thời đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, cũng như chú trọng đến các giải pháp khác để kích thích nhu cầu sử dụng ô tô của người dân.../.
Sâm Linh