Ngay sau đó, một cuộc tổng điều tra, rà soát rầm rộ về tình hình đưa rước học sinh, hoạt động của các trường học gắn mác “quốc tế”. Hay như chuyện tai biến y khoa chạy thận làm chết nhiều người, ngay sau đó lại là một cuộc tổng điều tra, rà soát về quy trình y tế… Những bài học được rút ra sau khi cái giá trả là quá đắt. Vậy với hàng ngàn hộ dân sống ngoài đê biển, trong vùng có nguy cơ cao chịu tác động của thiên tai ở Cà Mau, cơn thịnh nộ của thiên nhiên vừa qua có ý nghĩa thế nào?
Chính quyền địa phương gặp khó
Trở lại với câu chuyện của thị trấn biển Sông Đốc, một cửa biển trọng điểm có quy hoạch tầm chiến lược để làm động lực phát triển của toàn tỉnh, tình hình thật sự bí bách. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Lâm Văn Phú cho biết: “Hiện thị trấn có hơn 300 hộ cần phải di dời gấp để bảo vệ tính mạng, tài sản trong mùa mưa bão. Hầu hết các hộ dân đều thuộc các khu dân cư tự phát, ngoài quy hoạch, dân di cư tự do. Câu chuyện này không phải đến bây giờ mới xảy ra, nhưng chính quyền địa phương thực sự cũng hết cách”.
Theo ông Phú, khu vực xóm đảo thuộc Khóm 6B, có khoảng 14 hộ dân sinh sống trơ trọi ngoài rìa cửa biển Sông Đốc, nhà cửa rất tạm bợ. Chính quyền địa phương nhiều lần họp dân, lấy ý kiến để di dời, song bà con không hợp tác và đến nay vẫn còn tồn tại. Riêng ở khu vực Khóm 1, khu dân cư tự phát có 250 hộ nhưng chưa có quỹ đất để thực hiện tái định cư. Hiện thị trấn có khu tái định cư Xẻo Quao, song khu vực này cũng đã bố trí dân cư gần hết quỹ đất, do đó thị trấn cũng chưa có phương án di dời nào khả thi nhất.
Ghé Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, Trưởng khóm Phan Văn Bảy thông tin: “Khu vực này nằm ngay mé cửa Sông Đốc, đợt thiên tai vừa rồi ảnh hưởng nặng nề đến tài sản, đời sống bà con”. Ông Huỳnh Văn Sơn, cư ngụ ở Khóm 1 hàng chục năm nay chưa hết bàng hoàng: “Hồi đó giờ đâu có kiểu nước biển dâng, sóng lớn ập vô ghê gớm như vậy đâu. Khu vực này ngập hết, một số nhà phía rìa thì trắng tay, hên là không có thiệt hại về người”.
Nền nhà của một hộ dân sống ngoài đê biển Tây thuộc Ấp 10, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, bị san phẳng. |
Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến Mai Tuấn Anh trăn trở: “Thực tế, địa phương có khu tái định cư Hương Mai, quy hoạch cho hơn 200 hộ sống ngoài đê về sinh sống, nhưng số hộ ở chỉ có hơn 100”. Lý do mà ông Tuấn Anh nêu ra vẫn là vấn đề chưa lối thoát trong quy hoạch tái định cư: Định cư mà chưa tính toán được sinh kế cho người dân. Mỗi khi có thiên tai, chính quyền lại vận động, người dân cam kết di dời, nhưng sau đó, khi trời yên biển lặng, bà con lại cứ bám biển, sinh sống tạm bợ ở khu vực nguy hiểm. Bởi, biển là nơi mưu sinh duy nhất, là nguồn sống của bà con nơi đây. Đưa họ về khu tái định cư, xét ở một góc độ nào đó là cắt đứt đường sinh kế của họ.
Khi thiên tai ập đến, cái quý nhất là sinh mạng, kế đến là tài sản của người dân. Di dời là điều cấp thiết, không cần bàn cãi, song làm sao để người dân đồng thuận, tự giác và định cư lâu dài ở khu vực an toàn thì cần phải đưa ra những giải pháp đồng bộ, triệt để. Vấn đề này vượt khỏi tầm của chính quyền địa phương cơ sở, thậm chí là của cả tỉnh vì liên quan đến hàng ngàn hộ dân trong vùng nguy hiểm và hàng chục ngàn cư dân sống ven biển ở Cà Mau. Sau thiên tai, một cuộc tổng rà soát, di dời lại rầm rộ. Liệu rằng sau đó, khi thiên tai một lần nữa ập đến với cường độ, mức độ lớn hơn, người ta có thể yên tâm rằng, những phận đời mỏng manh ngoài phía biển đã có một chỗ trú an toàn?
Bài toán nhiều biến số
Sắp xếp cư dân ven biển là bài toán trăn trở của Cà Mau trong nhiều năm qua. Tái định cư là một trong những giải pháp đã được quyết liệt triển khai, mang lại nhiều kết quả, song vẫn còn không ít trăn trở. Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử trong hội nghị đánh giá về tình hình các khu tái định cư đã chỉ ra: “Chúng ta chỉ mới giải quyết được cái ở, còn sinh kế, kinh tế cho người tái định cư vẫn chưa thật sự bền vững”. Đây cũng là mấu chốt của vấn đề sắp xếp dân cư ven biển, phải làm sao vừa đảm bảo nơi an cư cho người dân, đồng thời phải tạo mọi điều kiện để bà con phát triển cuộc sống. Chưa giải được bài toán sinh kế, chưa tạo dựng được niềm tin, cơ hội tương lai cho cư dân ven biển thì các làng tái định cư sẽ vẫn còn cảnh đìu hiu, tạm bợ và thiếu kết nối như hiện tại.
Trưởng Khóm 1, thị trấn Sông Đốc Phan Văn Bảy (bên trái) chia sẻ mất mát của bà con khu vực dân cư tự phát ven cửa Sông Đốc. |
Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Phùng Sơn Kiệt từng chia sẻ với chúng tôi: “Đối với bà con ven biển, một bộ phận có đời sống rất khó khăn, phải sinh kế từng ngày, họ sẵn sàng phớt lờ mọi nguy hiểm để có đồng ra, đồng vô. Thế nên để di dời, định cư cho bộ phận này cần có giải pháp thật sự căn cơ, thấu lý, đạt tình”. Nắm bắt được vấn đề cốt lõi này, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho cư dân ven biển. Thế nhưng, theo số liệu mới nhất mà UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ di dời khẩn cấp, hàng ngàn hộ dân vẫn đang trong nguy cơ chực chờ nếu thiên tai ập đến.
Chỉ riêng huyện Trần Văn Thời, Trưởng phòng NN&PTNT Duy Quốc Tuấn nhẩm tính: “Có khoảng 800 hộ cần di dời gấp”. Di dời gấp, nhưng di dời ở đâu và tính toán cuộc sống cho bà con như thế nào thì địa phương chưa có đáp án. Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh cho biết: “Cái khó nhất là sự đồng thuận của bà con. Di dời là giải pháp tình thế, nhưng mùa mưa bão năm nay chưa hết, rồi với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, thời gian tới không thể cứ xảy ra thiên tai là phải di dời, cái chính là phải bố trí cho người dân định cư lâu dài”.
Một lưu ý rất đúng và rất trúng mà Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (thuộc Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trường Sơn trong chuyến kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở đê điều trên địa bàn ven biển tỉnh Cà Mau, nêu ra: “Phải tái tạo, gìn giữ và phát triển vành đai rừng phòng hộ”. Người dân không phải không có lý khi nói rằng, bao đời nay họ vẫn sống ở đó, bình yên qua cả những trận cuồng phong như cơn bão số 5 năm 1997, nhưng vì sao chỉ một trận dông lốc mà khiến người ta hoảng sợ đến vậy?
Có dịp đi trên những tuyến đê biển Tây, đê biển Đông của Cà Mau, mới thấy sự thật phũ phàng, rừng nơi thưa, nơi mất trắng. Mất rừng, mất đất, mất đi sự chở che của tự nhiên thì lẽ hiển nhiên con người trở nên mong manh, nhỏ bé và dễ tổn thương trước sự bất kham của chính tự nhiên.
Cà Mau là địa phương xác định kinh tế biển là thế mạnh đột phá, chủ lực, vậy nên cư dân biển chính là tài nguyên, là nguồn lực quan trọng để vươn lên. Sắp xếp cư dân ven biển vì vậy không thể nào chỉ đơn thuần là cắt đứt mối quan hệ giữa ngư dân với biển cả. Vấn đề là làm sao để cư dân biển thực sự làm chủ được tình hình, an toàn, bản lĩnh, thích nghi để bám biển, làm giàu từ biển.
Thiên tai có thể xem là những liều thuốc thử hạng nặng để Cà Mau tính toán lại một cách bài bản, dài hơi và để con người hướng ra biển một cách thông minh nhất./.
Phạm Quốc Rin