Tập trung hoàn thành 10 mục tiêu trước mắt
Theo Kế hoạch trên, tỉnh Ninh Thuận đề ra 10 mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện Đề án án phát triển kinh tế ban đêm (Đề án). Trong đó tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án và Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án công viên Biển Bình Sơn 4,575 ha trong tháng 11.2024.
Trong tháng 1.2025, tỉnh sẽ hoàn thành Báo cáo đánh giá hiệu quả Đề án tổ chức tuyến phố đi bộ trên địa bàn TP. Phan Rang-Tháp Chàm và giải pháp thực hiện thời gian tới; Đồ án quy hoạch Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ; Quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn.
Các nhiệm vụ liên quan các chính sách, quy định, thuế,… đối với hoạt động kinh tế ban đêm sẽ được tỉnh Ninh Thuận triển khai sau khi cấp có thẩm quyền ra thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp Bảo tàng tỉnh; nâng cấp cải tạo Tháp Po Klong Garai, Tháp Hòa Lai, Đền Pô Inư Nưgar và sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.
Để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, UBND tỉnh Ninh Thuận giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trong đó, giao Sở VHTTDL tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các khu vực quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm; lồng ghép các sự kiện ban đêm trong các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hàng năm, chuỗi sự kiện xuyên suốt trong năm; bổ sung các dịch vụ phục vụ du khách tại các điểm văn hóa lịch sử mở cửa về đêm…
Giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tổ chức mời gọi đầu tư vào các chương trình, dự án kinh tế ban đêm; tổ chức hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh; đề xuất các tour, tuyến, điểm, khu du lịch có thể khai thác, cung cấp các sản phẩm du lịch về đêm, các sản phẩm du lịch mới.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các Sở, ban, ngành, địa phương kịp thời có văn bản gửi về Sở KH&ĐT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét, chỉ đạo.
Đón 6 triệu lượt khách vào năm 2030
Theo Đề án phát triển kinh tế ban đêm Ninh Thuận đến năm 2030, tỉnh này dự kiến chi 1.350 tỉ đồng (vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 30%, còn lại là vốn xã hội hóa và huy động hợp pháp khác) đầu tư cho các công trình, dự án và các hoạt động khác để phát triển kinh tế ban đêm.
Mục tiêu đến năm 2030 giúp Ninh Thuận đón 6 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch sử dụng dịch vụ kinh tế ban đêm khoảng 70%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 5.900 tỉ đồng; ngành Du lịch đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đề nghị các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp để hoàn thành các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch đã được giao trước đó.
Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm; tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro; sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng hỗ trợ chủ động và tích cực cho các chủ thể tham gia kinh tế ban đêm... tiếp tục quán triệt, tham mưu triển khai và thể hiện đầy đủ, rõ ràng, nhất quán quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế ban đêm trong các chương trình, kế hoạch và định hướng phát triển của tỉnh, của từng ngành, lĩnh vực.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ phát triển kinh tế ban đêm đối với hoạt động có liên quan tới ngành, lĩnh vực và địa phương quản lý. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm tra, giám sát phát triển kinh tế ban đêm đối với các vấn đề như: văn hóa-nghệ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, hạ tầng (giao thông, điện, nước, xử lý chất thải), an ninh-an toàn, du lịch, bán lẻ,... Đồng thời, tăng cường nhân lực quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, y tế, môi trường..., tại khu vực phát triển kinh tế ban đêm.
Một số chỉ tiêu cụ thể Nghi quyết 04 Tỉnh ủy Ninh Thuận đề ra: Đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 12-13%; doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỉ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh. Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 14-15%, doanh thu ngành Du lịch đạt khoảng 5.900 tỉ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.