Giới phân tích dự báo "bộ phim" Brexit sẽ còn kéo dài |
Như vậy, Anh có thêm 6 tháng để tìm ra giải pháp tốt nhất có thể, nhưng giải pháp này liệu có thể giúp tạo một Brexit “mềm” hay không?
Nếu không được gia hạn, Anh sẽ phải chấm dứt tư cách thành viên suốt 46 năm qua của mình tại EU vào nửa đêm 12/4 (22h00 giờ GMT) mà không có thỏa thuận, dẫn tới nguy cơ xảy ra tình trạng hỗn loạn về mặt kinh tế ở cả Anh và phần còn lại của EU. Tuy nhiên, đa số các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU vừa qua đã ủng hộ kế hoạch trì hoãn Brexit lên tới 1 năm. Riêng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - với sự ủng hộ của lãnh đạo Bỉ, Áo và một số quốc gia thành viên nhỏ của EU - chấp nhận việc trì hoãn Brexit trong một thời gian ngắn chỉ vài tuần, đồng thời yêu cầu cần đảm bảo rằng London sẽ không can thiệp vào các công việc của EU trong suốt thời gian này. Các thành viên EU muốn đảm bảo rằng một nước Anh chỉ còn gắn bó một nửa với EU không tìm cách gây tác động tới các cuộc đàm phán Brexit bằng cách can thiệp vào việc lựa chọn người đứng đầu Ủy ban châu Âu tiếp theo hay ngân sách nhiều năm tới của EU. Tại cuộc họp của EU, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố muốn rời EU "ngay khi có thể". Bà nói: "Tôi đã yêu cầu gia hạn đến ngày 30/6, nhưng điều quan trọng là bất kỳ sự gia hạn nào đều cần cho phép Anh rời khỏi EU ngay khi chúng tôi phê chuẩn được một thỏa thuận rút khỏi EU". Thủ tướng May bày tỏ hy vọng sẽ đưa nước Anh rời EU vào ngày 22/5 - ngày cuối cùng trước khi cử tri Anh có thể phải tham gia các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Các nhà lãnh đạo EU đã từng nhất trí trì hoãn thời hạn Brexit từ ngày 29/3 sang ngày 12/4, và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã cảnh báo rằng "hầu như chẳng có lý do gì để tin" Quốc hội Anh có thể phê chuẩn thỏa thuận của bà May vào ngày 30/6. Vậy gia hạn Brexit thêm một lần nữa liệu có giải quyết được vấn đề như EU và bà May mong muốn?
Giới phân tích dự báo "bộ phim" Brexit sẽ còn kéo dài. Tại cuộc họp ở Brussels, Thủ tướng Anh rõ ràng ở trong thế yếu, và tương tự như lần xin dời ngày Brexit tháng 3 vừa qua, lần này, yêu cầu của bà May chỉ được thỏa mãn một phần, trong bối cảnh bà chưa hề thực hiện các điều kiện mà EU đặt ra trong lần đầu tiên. Khả năng đạt đồng thuận tại Hạ viện Anh về thỏa thuận Brexit đã được bà May và các lãnh đạo EU hồi cuối năm 2018 là hy vọng hay ảo vọng trong bối cảnh Hạ viện đã ba lần bác bỏ thỏa thuận này? Việc EU đồng ý kéo dài Brexit gần như là tất yếu, vì không nước nào trong khối muốn gánh vác trách nhiệm về một Brexit không thỏa thuận. Sau khi EU nhất trí gia hạn Brexit thêm một lần nữa, hy vọng đang đặt vào các cuộc đàm phán giữa phe Bảo thủ đang cầm quyền với Công đảng đối lập để tìm ra đồng thuận về thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn rằng các cuộc thảo luận giữa bà May và Công đảng sẽ đạt kết quả.
Thực tế cho thấy khoảng 100 nghị sĩ Bảo thủ đã bỏ phiếu phản đối đề xuất xin lùi thời hạn Brexit, trong khi 80 nghị sĩ Bảo thủ khác bỏ phiếu trắng. Tình trạng trên cho thấy sự mất kiểm soát gia tăng trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Đáng chú ý, Chủ tịch Hạ viện Andrea Leadsom, Bộ trưởng Giao thông Chris Grayling, Tổng Chưởng lý Geoffrey Cox và Bộ trưởng Thương mại Liam Fox đều không bỏ phiếu cho việc gia hạn điều khoản 50 đến ngày 30/6 theo đề xuất của Thủ tướng May. Kết quả bỏ phiếu tại Hạ Viện nói trên cho thấy bà May có thể sẽ không nhận được sự ủng hộ của chính đảng của mình về việc theo đuổi bất cứ thỏa thuận Brexit "mềm" nào, trong đó bao gồm một liên minh thuế quan. Điều này sẽ khiến thỏa thuận Brexit "mềm" sẽ không thể có được đa số phiếu ủng hộ tại Hạ viện bởi hiện ít nhất có 100 nghị sĩ Công đảng và các đảng đối lập khác đang đòi trưng cầu ý dân đối với bất cứ thỏa thuận Brexit nào.
Nước Anh "lạc trôi" trong Brexit | |
Ruxit sẽ giáng một đòn mạnh vào châu Âu nếu xảy ra cùng thời điểm với Brexit | |
EU tuyên bố không thể “sống triền miên với tiến trình Brexit” | |
Thủ tướng Anh tiếp tục đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6 | |
Vấn đề Brexit: Liên minh châu Âu tuyên bố sắp hết kiên nhẫn |