Công nhân khu công nghệ cao TPHCM tham gia tiêm chủng vắc xin Covid-19 ngày 19/6/2021. |
Ông Dương Anh Đức cho biết, trong số một triệu liều vắc xin mà Chính phủ Nhật Bản tặng Việt Nam, thành phố đã nhận được 836.000 liều, trong đó 30.000 liều giao Bộ Quốc phòng để tiêm cho lực lượng vũ trang, 20.000 liều được chỉ định cho lực lượng Công an.
Mặc dù thời gian triển khai rất gấp từ nhưng TPHCM đã chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất từ ngày 19/6, đến sáng nay 21/6 kết thúc khâu chuẩn bị. Chiều nay (21/6) sẽ triển khai tiêm đại trà và kế hoạch sẽ thực hiện trong 5 ngày.
Ông Dương Anh Đức cho biết thêm, trong đợt tiêm chủng lần này, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, TPHCM sẽ tiêm chủng cho toàn bộ công nhân, người lao động thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với số lượng khoảng 340.000 người.
Theo kế hoạch dự kiến đến cuối năm, Việt Nam sẽ nhận hơn 100 triệu liều vaccine, TPHCM sẽ được nhận khoảng 10% trong số này (khoảng 10 triệu liều). Ngoài ra, thành phố đã tiếp xúc trực tiếp với các nhà sản xuất, không phải qua trung gian. Với nguồn cung này, TPHCM đang hướng đến việc có khoảng 5-10 triệu liều trong năm nay. Trong đó, TPHCM sẽ dành khoảng 51% lượng vắc xin để tiêm ngừa Covid-19 cho công nhân, người lao động của thành phố với mục tiêu duy trì sản xuất, thực hiện mục tiêu kép của TPHCM.
Ông Phạm Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết để đảm bảo an toàn, thành phố đã bố trí 946 đội tiêm, 59 đội dự phòng. Mỗi đội đã được Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM tập huấn về công tác an toàn tiêm chủng. Bên cạnh đó, hơn 4.000 đảng viên, thanh niên cũng được tập huấn công tác hậu cầu, hướng dẫn người dân tiêm chủng, giãn cách, đảm bảo trật tự an toàn.
Ngành y tế quan tâm an toàn tiêm chủng, do đó, lực lượng cấp cứu được bố trí túc trực ở các điểm tiêm, đảm bảo xe cấp cứu đến nhanh nhất trong vòng 2-3 phút nếu có sự cố xảy ra. Với tiêm chủng, sẽ có tỷ lệ nhất định gặp phản vệ. Người không may bị sốc phản vệ sẽ được chế độ bảo hiểm y tế chi trả.