【ti le bong da hom nay】Năm 2017: Tổng kinh phí thực hiện chính sách người có công tăng 44%
Nhân ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính về chính sách tài chính đối với người có công với cách mạng.
PV: Chính sách tài chính đối với người có công với cách mạng có vai trò như thế nào trong hệ thống chính sách vĩ mô của Việt Nam, thưa ông?
- TS. Nguyễn Viết Lợi: Chính sách tài chính đối với người có công là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, đó là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của những người có công đối với đất nước. Các chính sách này không chỉ mang tính chính trị, kinh tế, xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng.
PV: Ông có thể điểm qua một số thành tựu đạt được trong việc thực hiện chính sách tài chính đối với người có công với cách mạng trong thời gian qua?
- TS. Nguyễn Viết Lợi: Nhìn chung, chính sách tài chính người có công với cách mạng trong thời gian qua đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện, ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; chế độ ưu đãi đối với con của người có công đang theo học ở nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, người có công được Nhà nước cấp thẻ BHYT với mức 3% lương tối thiểu. Nguồn ngân sách chi BHYT, ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với người có công và thân nhân của họ mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng…
|
Cùng với chế độ trợ cấp thường xuyên hàng tháng, chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp (về kinh tế xã hội) đã góp phần nâng cao mức sống người có công, đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ trong ưu đãi xã hội.
Chính sách tài chính đã được xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tế của đời sống xã hội, mức trợ cấp ưu đãi xã hội được điều chỉnh trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội, phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong 2 năm trở lại đây, chính sách này đã được điều chỉnh 2 lần cho phù hợp với tình hình thực tế.
Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015 quy định mức hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, trong đó quy định rõ từng mức cụ thể đối với từng đối tượng. Ví dụ, đối với những người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 thì mức hỗ trợ là 1.472.000/tháng, phụ cấp 249.000/1 thâm niên cho diện thoát ly và 2.500.000/tháng cho diện không thoát ly. Theo Nghị định 70/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6/6/2017 thì từ ngày 1/7/2017, mức hỗ trợ cho trường hợp trên lần lượt là 1.583.000/tháng, phụ cấp 268.000/1 thâm niên và 2.688.000/tháng… Như vậy mức hỗ trợ năm 2017 đã tăng lên so với năm 2015 và góp phần hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống của những người có công với cách mạng.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã làm tốt việc kết hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng và triển khai các chính sách tài chính nhằm hỗ trợ cho các đối tượng người có công với cách mạng, cụ thể là đã xây dựng và trình các dự thảo về Pháp lệnh với Người có công, đồng thời ban hành nhiều thông tư liên tịch quy định về vấn đề này. Đơn cử như ngày 3/6/2014, Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ra đời hướng dẫn chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đối với người có công với cách mạng và thân nhân; quản lý các công trình ghi công liệt sỹ. Các nội dung trong thông tư được quy định rõ ràng, đầy đủ và với các mức cao hơn so với thông tư cũ, đồng thời quy trình thực hiện cũng ít thủ tục, dễ thực hiện hơn, nhờ đó đã hỗ trợ tốt hơn cho những người có công đang gặp nhiều khó khăn.
Theo dự tính, tổng kinh phí năm 2017 cho các chính sách với người có công với cách mạng là gần 30.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2016.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cấp ngân sách để thực hiện đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; kinh phí thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo Quyết định 1237 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tiếp tục thực hiện cấp kinh phí cho chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công theo kế hoạch đã được phê duyệt...
PV: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, theo ông, thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chính sách này?
- TS. Nguyễn Viết Lợi: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chính sách đối với người có công với cách mạng, cần sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, từ cấp Trung ương đến các địa phương, từ các cơ quan nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, dạy nghề, việc làm, giảm nghèo… tạo điều kiện cho bản thân người có công và gia đình họ (đặc biệt là con của họ) học tập, học nghề, tạo việc làm, phát triển về kinh tế nhằm ổn định, nâng cao đời sống gia đình, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý những sai sót, tiêu cực trong lĩnh vực này, nhằm tăng niềm tin của xã hội đối với công tác chăm lo cho đời sống của những người có công với nước.
Ngoài ra, cần tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh phong trào chăm sóc người có công thông qua các chương trình tình nghĩa, toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội cùng Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hồng Sâm (Thực hiện)