【seoul – gangwon】Học và làm theo Bác ở ngôi trường nông thôn
Gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các đơn vị trường học ở Cà Mau đã hình thành nhiều phong trào, mô hình, công việc thiết thực, hiệu quả. Trường Tiểu học (TH) Biển Bạch, ngôi trường vùng nông thôn của xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, đã phát huy tốt vai trò nêu gương của thầy cô giáo, trở thành cảm hứng cho các em học sinh ra sức học tập, rèn luyện theo lời dạy của Bác Hồ.
Thiết thực, hiệu quả
Thầy Ðinh Chí Công, Hiệu trưởng Trường TH Biển Bạch, tâm đắc: “Sinh thời, Bác dạy: Bậc tiểu học cần giáo dục các cháu yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công... Gắn với 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, trường đã duy trì được hình thức “Kể chuyện về Bác Hồ” trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần. Thông qua đó, giáo viên định hướng để học sinh toàn trường thảo luận và rút ra bài học cho bản thân. Mỗi năm, toàn trường tổ chức cuộc thi “Kể chuyện về Bác Hồ” tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, ý nghĩa".
Năm học 2023-2024, trường có 645 học sinh, trong đó có 75 em hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, nhà trường đã phát động phong trào “Kế hoạch nhỏ” bằng cách thu gom chai nhựa để gây quỹ hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Kết hợp với việc quyên góp sách cũ, tiết kiệm tiền ăn sáng... nhà trường đã nâng cao ý thức về việc tiết kiệm, yêu thương, san sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn.
Thông qua các buổi đọc sách, việc học và làm theo Bác tại Trường TH Biển Bạch được lan toả, thẩm thấu và mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực với cả thầy, cô giáo và học sinh.
Bà Ðoàn Xuân Nguyện, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch, ghi nhận: “Các em học sinh của Trường TH Biển Bạch rất trung thực. Nhặt được của rơi, có khi là tài sản giá trị rất lớn nhưng các em đều tìm cách để gởi lại người mất. Ðiều này xuất phát từ việc giáo dục, định hướng đức tính trung thực của học sinh thông qua việc học và làm theo Bác của nhà trường”.
Thầy cô giáo trở thành tấm gương trực tiếp để các em học sinh ngày càng thấm nhuần, làm theo những điều Bác dạy.
“Không cần gì to tát, chỉ cần giáo viên nêu gương trong từng lời nói, việc làm sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tình cảm của các em. Ở bậc học này, thầy cô giáo nỗ lực định hướng để các em dần hình thành những thói quen tốt, nhận thức đúng, từ đó hình thành các phẩm chất đạo đức, nhân cách tốt đẹp trong học tập, rèn luyện”, thầy Công chia sẻ.
Hoa việc tốt
Cô giáo Nguyễn Thị Hường, giáo viên Trường TH Biển Bạch, tâm sự: “Học và làm theo Bác, tôi không chỉ nỗ lực trong công tác, mà quan trọng hơn là phải truyền được lửa của công việc ý nghĩa này để lan toả, thẩm thấu đến học sinh của mình, để các em cùng chung sức thực hiện. Phong trào "Hoa việc tốt" của nhà trường được khởi phát từ đó, đến nay đã trở thành điểm sáng trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh để xứng đáng với những lời dạy bảo và kỳ vọng của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng”.
Hằng tuần, những hoa việc tốt trong học tập, sinh hoạt được trường biểu dương, ghi nhận đầy trân quý trước toàn trường. Những phần quà của các em là những quyển sách ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi, được các thầy cô trao tặng. “Chúng tôi lựa chọn đa dạng các đầu sách để khuyến khích tinh thần ham học hỏi, tình yêu sách với các em. Trong đó, có các sách viết về Bác Hồ để các em có thêm hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người”, cô Hường cho biết thêm.
Giáo viên nêu gương, tạo cảm hứng để học sinh Trường TH Biển Bạch chăm ngoan học tập, phấn đấu rèn luyện, học và làm theo Bác (Trong ảnh: Giờ lên lớp của cô trò lớp 5A4, Trường TH Biển Bạch, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình).
Cô Phạm Thị Bích Huế, Phó hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Nhà trường có thư viện xanh để các em học sinh đến đọc sách theo nhu cầu và theo các giờ ngoại khoá của lớp. Tại các buổi đọc sách này, có giáo viên trực tiếp hỗ trợ, định hướng các đầu sách tuỳ theo sở thích của từng em. Dù lượng sách viết về Bác Hồ còn chưa nhiều, nhưng trong tất cả các buổi đọc sách, giáo viên đều giới thiệu cho học sinh ít nhất một mẩu chuyện liên quan đến Bác Hồ để các em thảo luận chung”.
Cô Huế mong mỏi: “Sắp tới, nhà trường cần được hỗ trợ thêm các đầu sách viết về Bác Hồ, làm phong phú thêm kho tư liệu, đáp ứng nhu cầu đọc sách không chỉ của học sinh mà còn của giáo viên nhà trường. Việc lan toả tình yêu sách, nhất là các đầu sách viết về Bác Hồ phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học sẽ rất có tác dụng, ý nghĩa đối với quá trình hình thành nhận thức, đạo đức, nhân cách của các em”.
Việc học và làm theo Bác ở ngôi trường nông thôn này đã tạo được luồng sinh khí tươi mới, tích cực, mà trong đó vai trò nêu gương, sự nỗ lực của đội ngũ thầy, cô giáo đáng được biểu dương, ghi nhận, đúng với lời căn dặn của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”./.
Phạm Hải Nguyên