【kết quả giao hữu đêm qua】Bàn chân mẹ
(CMO) Tôi nhớ vào những mùa mưa tháng Tám, tháng Chín, vùng trũng quê tôi hầu như quanh tháng ngập ngụa nước và bàn chân của mẹ chỉ cần chạm vào nước khoảng một ngày thôi là bị nước “ăn” rồi.
Tôi không thể ngờ rằng, với đôi chân xù xì, gai góc, chai sần tưởng chừng “bất khả xâm phạm”, những giọt nước vô tri vô giác “không có mồm” lại ăn vẹm đôi bàn chân của mẹ một cách ngon lành. Thật sự đôi bàn chân của mẹ rất xấu, và khi nước ăn rồi lại còn xấu hơn rất nhiều, nhưng với những đứa con yêu thương bố mẹ thì điều đó chẳng là gì khi yêu thương đã hoá tất thảy thành những điều đẹp đẽ. Mẹ vẫn là người mà chúng tôi yêu thương nhất, đẹp nhất trên thế gian, không ai sánh bằng.
Mẹ là nông dân. Mọi việc cấy giặm, gặt hái một tay mẹ quán xuyến, những lúc bố bận, mẹ còn thay bố quản những việc mà ở quê chỉ có đàn ông, con trai mới làm như cày bừa, cuốc xới nặng nhọc. Tôi không thể nào hình dung được ngày ấy với vóc dáng một cô gái nhỏ bé cao chưa đầy 1,5 m và cân nặng chỉ nhỉnh hơn con số 40 kg một chút mà mẹ có thể làm được nhiều việc như vậy. Ngày ra riêng, bố mẹ chẳng có gì ngoài mấy công ruộng và hai bàn tay trắng. 28 tuổi mẹ thành bà mẹ của 4 đứa con nheo nhóc. Hết vụ chính ở đồng mẹ lại sang vụ xép, trồng bắp, khoai, hoa màu đủ cả.
Làm của nhà xong, mẹ còn đi làm hộ, làm thuê để đổi công lấy tiền. Một trong những bức hình quý hiếm còn sót lại của mẹ thuở thiếu thời, chắc bạn cũng như tôi sẽ rất xót xa khi thấy mẹ mình chưa đầy 30 tuổi mà khuôn mặt, vóc dáng trông như gần 50. Những khó khăn, khổ cực năm tháng ấy chằng chịt lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn, những sợi tóc bạc như cước. Mẹ vẫn kể lại những tháng ngày ấy như những dấu mốc mà mẹ phải trải qua trong đời, không chùn bước. Nụ cười ngày nào vẫn tươi roi rói, thường trực trên môi, là động lực để anh em tôi cố gắng hàng ngày. Dường như với bóng dáng nhỏ con của mẹ đã khá thân thuộc khắp huyện bé nhỏ, người ta bảo đâu đâu cũng thấy dấu chân mẹ hằn in.
Tôi có cảm giác vừa sợ hãi lẫn thương xót đến nghẹt thở khi nhớ những lần mưa bão, chân mẹ bám chặt bùn trơn, cõng mình đến trường. Tôi nằm sát trên tấm lưng xương xẩu của mẹ, hai tay bám lấy cổ, khẽ nghe từng nhịp thở dốc hoà trong gió, cùng vị mồ hôi mằn mặn. Mẹ bước rất chậm, dò từng bước một thật vững chãi… Và tôi cũng chẳng đếm được bao nhiêu lần như thế mẹ đã cõng mình. Mẹ lạc quan, vui tính lắm! Mọi người sẽ nghĩ rằng mẹ không sợ, nhưng thật ra là có sợ đấy, nhưng mẹ biến nỗi sợ thành động lực, thành những yêu thương lên các con. Mẹ hát, mẹ kể chuyện cho thời gian trôi nhanh, mong qua đoạn đường gập ghềnh, trơn trượt.
Minh hoạ: MT |
Có một dạo tôi đã hiểu lầm về mẹ, cho rằng mẹ là người keo kiệt nhất trên thế gian này. Trong khi người khác đi làm đồng mang ủng, mang giầy còn mẹ vẫn trung thành với đôi chân trần. Tôi nói cho mẹ không biết bao nhiêu hôm để mẹ hiểu, tầm quan trọng khi mang ủng nhưng mẹ vẫn bỏ ngoài tai. Tôi giận mẹ, mẹ cũng chẳng nói chẳng rằng. Mãi sau này tôi hối hận vô cùng khi biết được vì muốn tiết kiệm mà mẹ mới làm như vậy.
Sau những bữa cơm tối, khi mẹ bắt đầu được nghỉ ngơi, mẹ thường lấy lọ cao rẻ tiền thoa lên đôi bàn chân của mình. Ngày hè đôi bàn chân mẹ in bám đầy bụi, chai sần từng mảnh. Ngày đông gót chân mẹ nẻ toác như ruộng tháng Mười, rướm máu. Còn mùa mưa, trông những ngón chân của mẹ thật tội nghiệp khi lở loét từng mảng. Mẹ luôn đưa ra lời từ chối ngay khi những đứa con của mình có ý tặng một đôi giầy hay đôi ủng. Mẹ biện hộ cho lời từ chối không mấy thuyết phục đấy là do… thói quen, chân đi ủng hay giầy vướng víu lắm.
Bao nhiêu năm qua đi, con đường làng ngày xưa giờ đã được đổ bê tông sạch sẽ, dấu bàn chân mẹ đã bị che lấp bởi lớp bê tông vững chắc. Mỗi lần buồn ngồi nhớ chuyện xưa tôi lại nghĩ tới đôi bàn chân của mẹ. Đôi bàn chân đã cõng mình suốt cả tuổi thơ, gồng gánh những khó nhọc nuôi anh em tôi khôn lớn, trưởng thành./.
Tăng Hoàng Phi