Nhìn vào bảng thống kê các con số của 45 nhóm hàng xuất khẩu chính nằm trong “rổ” thống kê do Tổng cục Hải quan thực hiện trong nửa đầu tháng 1/2017 (kết quả thống kê mới nhất dựa trên dữ liệu khai báo khi làm thủ tục hải quan của cộng đồng doanh nghiệp-PV)chưa dễ thấy ngay những tín hiệu đáng mừng. Dù ở đó đã thấy xuất hiện ngay nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD” đầu tiên là điện thoại và linh kiện với trị giá kim ngạch đạt 1,311 tỷ USD. Đồng hành với đó là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 là dệt may cũng tiệm cận con số 1 tỷ USD (đạt 986 triệu USD).
Tuy nhiên, lật giở lại với những thống kê cùng kỳ năm 2016 thì sự khởi sắc là thấy rõ. Bởi nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta trong nhiều năm gần đây vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức 2 con số. So với cùng kỳ năm 2016, chỉ trong nửa tháng mặt hàng điện thoại và linh kiện đã tăng thêm giá trị kim ngạch 251 triệu USD, tương đương mức tăng trưởng 23,7%, và cũng cao hơn nhiều so với mức 13,8% của cả năm 2016. Đây là một con số đáng mơ ước đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu, dù cho đó là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp FDI. Sẽ càng cảm thấy yên tâm hơn khi biết rằng đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu điện thoại của nước ta là các tổ hợp sản xuất của Tập đoàn Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, dù trong năm 2016, Tập đoàn này đã trải qua cú sốc lớn của sự cố Galaxy Note 7.
Sự hồi phục và tiếp tục duy trì vị thế số một về xuất khẩu ở mức tăng trưởng cao của mặt hàng điện thoại và linh kiện đã chứng tỏ được nội lực của doanh nghiệp và cũng không thể không nhắc đến những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam giúp doanh nghiệp “an cư lạc nghiệp”. Ngay trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, nhiều cơ quan báo chí dẫn ý kiến của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Trong dịp Tết, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh sốt ruột báo cáo dự án Samsung 2 nếu không xử lý, Samsung sẽ tìm nước khác. Khi điện tôi nói không phải lên, anh lên lúc này thì người ta hiểu là chúc Tết. Không phải lên nhưng việc vẫn đâu vào đấy, anh yên tâm. Và đúng là dự án vẫn chạy bình thường”. Đấy là ở tầm vĩ mô, ở khía cạnh những cơ quan thực thi, theo kết quả cập nhật của Tổng cục Hải quan, trong dịp nghỉ tết Đinh Dậu 7 ngày vừa qua, cơ quan Hải quan và lực lượng chức năng vẫn làm thủ tục xuất khẩu cho hàng trăm doanh nghiệp, với trị giá kim ngạch hàng trăm triệu USD, trong đó điện thoại vẫn là lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất với trị giá kim ngạch đạt hàng chục triệu USD.
Cùng với điện thoại, lĩnh vực dệt may- “con át chủ bài” về xuất khẩu của Việt Nam từ nhiều năm qua cũng đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Với trị giá kim ngạch 986 triệu USD, ngành hàng này cũng có sự tăng trưởng thêm 97 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016, tương đường mức tăng gần 11%. Đây là một sự khởi đầu ấn tượng, nếu chúng ta biết rằng nhóm hàng xuất khẩu quan trọng này vừa trải qua năm 2016 đầy khó khăn khi mức tăng xuất khẩu không đạt mục tiêu và chỉ dừng ở mức 8,2%.
Dù chưa có trị giá tuyệt đối lớn bằng 2 nhóm hàng kể trên, nhưng xét về tốc độ tăng trưởng, thì những ngày đầu năm 2017 đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với tốc độ tăng trưởng tới 44,8%, đạt 853 triệu USD.
Ngoài 3 nhóm hàng chủ lực kể trên, hết nửa đầu tháng 1/2017, cả nước còn có thêm 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn khác đạt trị giá từ 100 triệu USD trở lên, tăng 2 nhóm so với cùng kỳ 2016 (2 nhóm mới là xơ, sợi, dệt và nhóm máy ảnh, máy quay phim và linh kiện). Trong đó, đáng chú ý là giày dép đạt gần 624 triệu USD, tăng 83 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt gần 488 triệu USD, tăng 168 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt gần 306 triệu USD, tăng 110 triệu USD…Tính chung hết nửa đầu tháng 1/2017, tổng giá trị kim ngạch XK cả nước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 1,3 tỷ USD (tương đương gần 21,7%) so với cùng kỳ 2016.
681 doanh nghiệp có hoạt động XNK trong dịp tết Đinh Dậu Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong thời gian 7 ngày nghỉ tết Đinh Dậu năm 2017 (từ 26/1 đến ngày 1/2), trên phạm vi toàn quốc có 98 Chi cục Hải quan và tương đương có phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, với số lượng tờ khai là 6.200 tờ. Cũng trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, có 681 doanh nghiệp trên toàn quốc vẫn thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, tăng nhẹ 1,5% so với dịp lễ Tết một năm trước đó. Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sơ bộ đạt 395 triệu USD trong 7 ngày nghỉ Tết, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 161 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu là 234 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong dịp Tết tập trung ở 3 nhóm mặt hàng chính là nhóm hàng máy vi tính, điện thoại & linh kiện (bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; điện thoại các loại & linh kiện) với 101 triệu USD, nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 19,8 triệu USD, sắt thép các loại đạt 21,5 triệu USD… Tổng kim ngạch nhập khẩu tập trung ở 3 nhóm mặt hàng chính là nhóm hàng máy vi tính, điện thoại & linh kiện với 148 triệu USD, nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 26,6 triệu USD, xăng dầu các loại đạt 17,9 triệu USD… Vũ Thùy Linh (Cục CNTT và Thống kê Hải quan) |