【ket qua bong da blu fun】“Gửi hồn” vào từng mũi chỉ, đường kim
(CMO) “Đam mê là điều cốt lõi giúp thợ may áo cưới gắn bó lâu dài với nghề…”, anh Lê Hữu Tín, chủ cơ sở kinh doanh áo cưới Tín Lê Bridal, toạ lạc tại số 59, đường Lý Thái Tôn, Phường 2, TP. Cà Mau, chia sẻ về quan niệm lập nghiệp của mình.
Lựa chọn váy cưới là một trong những công đoạn quan trọng nhất của mỗi cô dâu. Một chiếc váy cưới đẹp, vừa vặn giúp cô dâu trở nên lộng lẫy và xinh đẹp hơn trong ngày vui của đời người. Với quan niệm, phụ nữ chỉ khoác áo cưới một lần trong đời, vì thế, không ai muốn bất kỳ sai sót nào xảy ra với chiếc váy cưới của mình, để có được những bức ảnh cưới thật đẹp lưu giữ làm kỷ niệm.
Anh Lê Hữu Tín đang thực hiện những công đoạn cuối để hoàn thiện chiếc váy cưới. |
Nắm bắt được ý nghĩa và tầm quan trọng của những chiếc váy cưới, cùng đam mê của bản thân, anh Lê Hữu Tín nung nấu ý tưởng cho thuê váy cưới “tự may”.
Anh nghĩ, lối kinh doanh truyền thống là nhập hàng có sẵn đã có quá nhiều nơi thực hiện. Vì thế, anh muốn tự tay “gửi hồn” vào từng sản phẩm, tạo điểm khác biệt cho chính mình và cho cả cô dâu. Ý tưởng hình thành, nhưng mọi thứ còn khá chông chênh.
Anh Tín chia sẻ: “Tôi bắt đầu thực hiện ước mơ của mình từ con số không về kiến thức. Trước khi học may, tôi chỉ biết sử dụng máy may gia đình, nhưng máy may công nghiệp thì khác hoàn toàn…”.
Ý tưởng ấp ủ ngày một lớn. Sau thời gian loay hoay tìm kiếm, anh Tín đã được gặp và theo học lớp dạy may áo cưới của thầy Nguyễn Mạnh Hùng. Mỗi nơi, thầy Hùng chỉ nhận một học viên duy nhất. Sau 3 tháng học tập, anh về Cà Mau lập nghiệp, số lượng váy cưới may hư khá nhiều, nhưng chính nó lại là những kinh nghiệm quý báu cho anh. Ở bất cứ cơ sở đào tạo nào cũng vậy, người học chỉ được học những đường may và kỹ thuật cơ bản, sáng tạo là do năng khiếu và trí tuệ của mỗi người. Vì vậy, cần phải có đam mê và chịu khó tìm tòi mới có thể bắt kịp xu hướng.
Anh Tín tâm sự: “Mỗi ngày tôi đều theo dõi và cập nhật những xu hướng mới cả ở Việt Nam và nước ngoài, hoặc góp nhặt ý tưởng từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống”. Mỗi tháng sẽ có một thành phẩm ra đời, đó là kết quả của cả quá trình tìm tòi, sáng tạo, chắt lọc và tỉ mỉ trong từng mũi kim. Từng đường ren, từng chiếc hột được kết lên áo thể hiện sự tài hoa và khác biệt của người làm ra nó, nên không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.
Do điều kiện kinh tế cũng như giá trị sử dụng, đa phần cô dâu chỉ thuê váy cưới, nhưng để “chiều lòng” khách hàng, Tín Lê Bridal sẽ cho cô dâu tự lên ý tưởng chiếc váy theo đúng màu và kiểu dáng mà khách lựa chọn. Với giá chỉ từ 2-3 triệu đồng cho một chiếc váy sử dụng lần đầu và 1-1,5 triệu đồng cho những lần sử dụng sau, dường như người cho thuê váy cưới tự may như anh Tín phải cần nhiều tâm huyết mới có thể gắn bó dài lâu.
“Chưa bao giờ cho rằng mình đã thành công, đó là nguyên tắc làm việc của tôi”, anh Tín bộc bạch. Nếu có điều kiện và thời gian, tổ chức các lớp học may nâng cao và dạy học viên, đặc biệt là dạy miễn phí cho học viên có hoàn cảnh khó khăn là những định hướng trong tương lai gần mà anh Tín muốn thực hiện để trau dồi tay nghề và truyền đạt kinh nghiệm cho những ai có cùng đam mê như mình./.
Linh Thảo