【ibongda nhận định】Hội quán Ðồng Tiến
(CMO) Nhằm tạo sự đồng thuận, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân thành lập Hội quán Ðồng Tiến (Hội quán). Ðây là bước chuyển mình khá mới mẻ trong tập hợp sức mạnh đoàn kết của người nuôi tôm công nghiệp, từng bước tạo động lực, định hình hướng đi đúng, chia sẻ cách làm hay trong nuôi tôm công nghiệp mang đến niềm vui chung cho người dân tại địa phương.
Hội quán được thành lập vào ngày 15/2 với 26 thành viên tham gia, là tổ chức mang tính tự nguyện của những người có mục đích và nguyện vọng hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp. Với khẩu hiệu “Ðoàn kết - Ðổi mới - Sáng tạo - Bền vững”, Hội quán được thành lập nhằm mục đích mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho thành viên, cộng đồng xã hội.
Tham gia vào Hội quán, các thành viên luôn kỳ vọng vào hướng đi bền vững của mô hình nuôi tôm công nghiệp trong thời gian tới. |
Hội quán được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc không hình thành pháp nhân mới, mà chỉ tập trung những thành viên hỗ trợ cùng nhau phát triển sản xuất và chịu sự quản lý trực tiếp của UBND xã. Bên cạnh đó, Hội quán hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tự chủ kinh phí; tự quản thành viên và tài sản đóng góp chung của thành viên; không kinh doanh và không vì mục đích lợi nhuận; tự chịu trách nhiệm các nội dung và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, Ðiều lệ Hội quán.
Mục đích của Hội quán là tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp đạt năng suất, chất lượng; cổ vũ, động viên và hỗ trợ các thành viên là nông dân trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp. Hội quán sẽ trực tiếp tư vấn hỗ trợ khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, Hội quán sẽ đoàn kết, tập hợp sức mạnh tập thể đóng góp vốn cho các thành viên gặp khó khăn để tiếp tục sản xuất.
“Dựa trên những mong muốn và tình hình sản xuất thực tế tại địa phương, sau khi bàn bạc giữa các thành viên, cũng như sự nhất trí cao của Ðảng uỷ, UBND nên Hội quán được thành lập. Ðây được xem là nơi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, tương trợ nhau của những nhà nông nuôi tôm công nghiệp. Những buổi trao đổi, gặp gỡ giữa các thành viên Hội quán sẽ góp phần tìm được tiếng nói chung trong cách thực hiện sản xuất, đồng thời hỗ trợ các thành viên khác gặp vướng mắc, khó khăn trong các khâu kỹ thuật nuôi, xử lý môi trường nước, cung cấp dinh dưỡng cho tôm...”, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết.
Tình hình sản xuất tôm nguyên liệu gặp nhiều khó khăn như hiện nay; tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hay vấn đề tìm đầu ra, biến động giá cả… gây áp lực cho người nông dân, khiến vụ mùa thiệt hại xảy ra như thời gian qua. Hội quán được thành lập được xem như một kênh thông tin hữu ích giúp người nuôi tôm công nghiệp có được sự sẻ chia, trao đổi kinh nghiệm của các thành viên để cùng nhau hướng đến sự phát triển bền vững.
Ông Trần Huỳnh Dũng, Chủ nhiệm Hội quán, cho rằng: “Ðây là điều kiện tốt nhất để những người nuôi tôm đoàn kết, tương trợ nhau trong vấn đề sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi thành lập Hội quán với mong muốn đưa mô hình nuôi tôm công nghiệp phát triển ở quy mô cao hơn nữa”.
Hội quán được khởi xướng từ các hộ dân nuôi tôm công nghiệp tại ấp Ba Tiệm và ấp Vàm Xáng trên tinh thần tự nguyện. Dù khá mới mẻ nhưng Hội quán đã mang đến những tín hiệu tích cực. "Thời gian tới, UBND xã tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện mở thêm nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp để các hộ nuôi có được kiến thức đồng bộ. Hướng đi bền vững của mô hình nuôi tôm công nghiệp sẽ mang đến nhiều niềm vui chung cho nông dân, tăng nguồn thu nhập ổn định, góp phần cùng địa phương hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao”, ông Nguyễn Trường Sơn kỳ vọng./.
Hằng My