Tuy nhiên, để triển khai TABMIS theo diện rộng trên phạm vi cả nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ.
Theo kế hoạch trong năm 2012, dự án TABMIS sẽ triển khai tại 17 tỉnh, thành phố còn lại; 22 bộ, ngành và 3 sở chuyên môn tại Hà Nội; mở rộng triển khai phân hệ phân bổ ngân sách đến 300 đơn vị dự toán cấp I và cấp II thuộc ngân sách Trung ương. Trong đó, triển khai hiệu quả ở hai địa phương lớn là TP.Hồ Chí Minh và Thanh Hóa.
Hệ thống TABMIS là một trong 3 cấu phần của Dự án “Cải cách quản lý tài chính công”. Việc triển khai hệ thống TABMIS đã hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý của các đơn vị tham gia vào hệ thống như, cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng, chính xác về tình hình thu, chi và tồn quỹ ngân sách, đáp ứng tốt các yêu cầu quản lý điều hành của các cấp chính quyền; hỗ trợ các bộ, ngành trong việc phân bổ ngân sách, quản lý chặt chẽ và có hiệu quả nguồn ngân sách được phân bổ; hỗ trợ cơ quan Tài chính trong việc trực tiếp khai thác báo cáo và giám sát tình sử dụng NSNN trên hệ thống; hỗ trợ KBNN trong khai thác và cung cấp thông tin, báo cáo về tình hình thực hiện NSNN...
Mục tiêu của ngành Tài chính từ năm 2012 đến 2015 là sẽ phát triển TABMIS theo hướng các đơn vị dự toán thực hiện đầy đủ chức năng phân bổ ngân sách; mở rộng phạm vi mã quỹ, xây dựng các mẫu biểu chỉ tiêu báo cáo của tổng kế toán Nhà nước; xác định yêu cầu và truy cập vào hệ thống các thông tin đầu vào để kết xuất các thông tin báo cáo theo yêu cầu. Từ năm 2015 trở đi, phát triển hệ thống và quy trình kế toán, xem xét thực hiện kế toán dồn tích đầy đủ theo chuẩn mực kế toán công quốc tế trong phạm vi, đối tượng phù hợp.
Tuy nhiên, hệ thống TABMIS sử dụng công nghệ tiên tiến, phức tạp, với mô hình cơ sở dữ liệu tập trung và phạm vi vận hành rộng, nên quá trình triển khai TABMIS đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các đơn vị có liên quan và sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành hệ thống.
Bộ Tài chính cũng vừa chấp thuận chi hơn 33 tỷ đồng thuê quản trị, vận hành hệ thống TABMIS trong thời gian 1 năm (2013-2014) nhằm đảm bảo hệ thống TABMIS vận hành thông suốt, phục vụ hoạt động nghiệp vụ quản lý ngân sách của ngành Tài chính và hệ thống KBNN.
Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ; cơ chế phân công, phối hợp giữa các đơn vị liên quan, đảm bảo quá trình triển khai, vận hành và khai thác hệ thống được ổn định và thông suốt; hạn chế những quy định mang tính đặc thù theo từng địa phương.
Đồng thời, các đơn vị tài chính, KBNN các cấp cũng phải có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn nhân lực, trong đó, phải đổi mới tư duy và phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ tại các đơn vị, chuyển từ phương pháp làm việc thủ công, phân tán sang làm việc bằng máy tính theo hệ thống tập trung. Thực hiện đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tất cả các đơn vị tham gia từ Trung ương đến địa phương… tiến tới từng bước thực hiện đổi mới, cải cách về cơ chế quản lý, điều hành tài chính - ngân sách của chính quyền các cấp.
Mai Ka