Công ty TNHH MTV Hanel vừa công bố phương án cổ phần hoá,tómlịch cúp c2 châu âu thoái vốn nhà nước để thu hút các nguồn lực bên ngoài cho mục tiêu phát triển hiệu quả hơn. Theo đó, nhà nước chỉ nắm giữ 29% vốn điều lệ (VĐL: 1.926 tỷ đồng), bán đấu giá ra bên ngoài 9,94% (khoảng 19,1 triệu cổ phần), bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên 0,06%. Hanel cũng xác định bán 61% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, tương ứng 117,48 triệu đơn vị.
Hé lộ 2 nhà đầu tư chiến lược
Theo đề xuất của Hanel, 61% vốn của doanh nghiệp này sẽ được bán cho 2 nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể là Công ty CP Công nghệ Tiến Việt (mua 36% vốn, tương ứng 42 triệu đơn vị) và Công ty Sebrina Holdings (mua 25% vốn, tương ứng 48,15 triệu đơn vị). Tổng giá trị cổ phần chiến lược tính theo mệnh giá là hơn 1.174,8 tỷ đồng.
Được biết, Công ty CP Công nghệ Tiến Việt chỉ mới được thành lập vào ngày 16/7/2015. Công ty ngày có ngành nghề kinh doanh chính: sản xuất máy tính, thiết bị ngoại vi và hoạt động viễn thông…
Còn Công ty Sebrina Holdings là một tập đoàn có thế mạnh về lĩnh vực năng lượng của Singapore. Hiện, có rất ít thông tin về công ty này được công bố ra thị trường.
Trước đó, tháng 9/2015, ông Nasrat Muzayyin - Tổng giám đốc và Đồng sáng lập Sebrina Holdings Ltd đã có buổi làm việc cùng Hanel. Sebrina Holdings được giới thiệu là “một trong những nhà đầu tư chiến lược tiềm năng của Hanel trong việc đầu tư triển khai các dự án hạ tầng, công nghệ, tài chính tại Việt Nam”. Tập đoàn này cũng đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực cảng biển tại Việt Nam…
Hanel luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Còn nhớ, năm 2012, Hanel gây chú ý khi mua lại 70% cổ phần Công ty cổ phần Daeha- quản lý tổ hợp TTTM Daeha (toà cao ốc văn phòng và khách sạn Daewo) từ đối tác Hàn Quốc muốn thoái vốn.
Khi đó, 70% vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn Daewoo Engineering & Construction (Daewoo E&C), còn Hanel nắm 30%. Giá trị thương vụ chuyển nhượng này không được các bên tiết lộ, song thị trường đồn đoán ước chừng 70 triệu USD.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 của Hanel chỉ ghi nhận Hanel sở hữu 30% vốn tại Công ty cổ phần Deaha với giá vốn đầu tư 169,4 tỷ đồng. Vì sau khi mua 70% vốn từ Daewoo E&C, Hanel đã lập tức “sang tay” toàn bộ cổ phần cho 2 đối tác là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và Công ty CP Đầu tư Hợp Thành 1.
Tại thời điểm 31/12/2012, báo cáo của Hanel còn ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn 180,8 tỷ đồng tại Công ty khoáng sản Hợp Thành và 330,5 tỷ đồng tại Công ty Đầu tư Hợp Thành 1. Hiện không rõ Hanel đã bán 70% vốn với giá trị bao nhiêu song có nhận khoản hỗ trợ giá trị quyền lợi, lợi thế chuyển giao không bồi hoàn hơn 104,3 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD)… Cuối năm 2014, Hanel nắm 30% vốn tại Daeha với giá trị ghi sổ 272,3 tỉ đồng (Daeha có vốn điều lệ 907,7 tỷ đồng).
Đến giữa năm 2015, Công ty CP Bông Sen đã mua được 34,8% cổ phần Daeha, làm thay đổi cục diện sở hữu tại công ty này.
Có thể thấy, nếu hai nhà đầu tư chiến lược của Hanel thâu tóm 61% vốn qua cổ phần hoá thì sẽ gián tiếp sở hữu 30% vốn tại Công ty Daeha. Cơ cấu cổ đông Daeha sẽ có “tứ hùng” gồm: Hanel, Bông Sen, Khoáng sản Hợp Thành và Đầu tư Hợp Thành 1.
Tài sản “đất vàng” đắt giá
Câu hỏi đặt ra là cổ phần của Hanel – doanh nghiệp nhà nước có kết quả kinh doanh khá thấp so với tiềm năng, lợi thế sẵn có – lại hấp dẫn các nhà đầu tư bên ngoài muốn nắm quyền chi phối tới 61%?
Chưa kể, thông qua hoạt động đấu giá trên sàn, các nhà đầu tư có thể mua gom thêm hơn 9,94% cổ phần Hanel khi doanh nghiệp này IPO. Tức tổng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư có thể lên tới hơn 70% vốn điều lệ Hanel.
Theo Bản công bố thông tin, Hanel hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, lắp ráp, đầu tư khu công nghiệp điện tử… Hiện, Hanel có 11 công ty con, 19 công ty liên kết, 3 công ty liên doanh và 6 khoản đầu tư dài hạn (sở hữu từ 0,8% - 15%) tại các công ty khác.
Tại thời điểm cổ phần hoá, giá trị doanh nghiệp Hanel theo sổ sách kế toán là 2.631,8 tỷ đồng. Nhưng sau khi đánh giá lại, giá trị doanh nghiệp tăng lên 3.064,4 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm 1.925,4 tỷ đồng.
Hanel hiện sở hữu, quản lý khai thác nhiều tài sản giá trị, nhất là khu đất vàng số 360 Kim Mã, Hà Nội – nơi có tổ hợp TTTM Daeha và khách sạn Daewoo. Khu đất có tổng diện tích 30.406,5m, thời hạn sử dụng đất 49 năm kể từ tháng 7/1993. Cùng nhiều khu đất rộng lớn tại số 2 Phố Chùa Bộc (hơn 8.000 m2), khu công nghiệp Sài Đồng B (2,42ha); khu đất E1 Bách Khoa (150m2)… do Hanel sở hữu, quản lý, hoặc thuê của nhà nước dài hạn.
Trong đó, Hanel đã và đang triển khai đầu tư nhiều dự án lớn tại Hà Nội, như: dự án khu đô thị công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, dự án cảng cạn tại Gia Lâm, tháp văn phòng Hanel tại E9 Phạm Hùng, chung cư Thái Hà… Tính riêng các dự án này, Hanel đã đổ vào khoảng 851 tỷ đồng.
Với việc liên tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh, Hanel cũng đang chịu áp lực xử lý công nợ tài chính. Trong đó, đến cuối năm 2014, tổng nợ vay dài hạn còn 702 tỷ đồng từ nhiều ngân hàng, doanh nghiệp trong nước. Nợ vay ngắn hạn hơn 71,5 tỷ đồng. Các khoản phải trả còn hơn 128 tỷ đồng…/.
Hải Hà