【ltd argentina】Sẵn sàng triển khai vắc
Các chuyên gia khuyến cáo cần cho trẻ uống vắc-xin Rota hoàn thành trước 6 - 8 tháng tuổi |
Đón nhận thông tin những ngày qua, chị Hoàng Thị Thảo, một bà mẹ mới sinh ở TP. Huế chia sẻ: “Uống vắc-xin Rota dịch vụ giá từ 600-800 ngàn đồng/lần, chi phí này không nhỏ so với thu nhập của một lao động tự do như mình. Mình nghĩ đến những bà mẹ vùng cao khó khăn thì việc tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vắc-xin phòng bệnh như thế này sẽ rất ý nghĩa. Có vắc-xin này trong TCMR là sự quan tâm đáng kể của Nhà nước đối với chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Nghe báo đài đưa tin, mình rất mong chờ ngày cho con đi uống”.
Trước đó, Bộ Y tế đưa ra thông báo, đây là vắc-xin thứ 11 được đưa vào TCMR theo Nghị quyết của Chính phủ. Ngoài vắc-xin Rota, sẽ có thêm vắc-xin phế cầu vào năm 2025, HPV, cúm mùa… Đến thời điểm này, hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai sử dụng vắc-xin Rota (phòng bệnh tiêu chảy cấp do vi rút Rota). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia cần đưa vắc-xin Rota vào TCMR. Bộ Y tế đã ban hành thông tư trong đó nêu rõ phạm vi, đối tượng sử dụng vắc-xin bắt buộc, trong đó có vắc-xin Rota. Như vậy, trẻ em Việt Nam sẽ tiếp cận thêm một loại vắc-xin mới phòng bệnh từ vắc-xin hỗ trợ của GAVI (Tổ chức Liên minh toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh thông tin, toàn tỉnh được phân bổ 5.530 liều Rotarix và hơn 1.0000 liều Rotavin trong chương trình TCMR. Đơn vị đang chờ vắc-xin từ trên đưa về. Dự kiến trong tháng 11 và 12, sẽ dùng Rotarix viện trợ, sau đó (năm 2025) chuyển qua Rotavin theo chương trình. CDC tỉnh xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai vắc-xin Rota cho trẻ em dưới 1 tuổi trong chương trình TCMR khá chi tiết, cụ thể để y tế tuyến cơ sở triển khai theo kế hoạch.
Đến thời điểm này, nhiều trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị tổ chức tập huấn hướng dẫn việc sử dụng vắc-xin Rota trong chương trình TCMR; đồng thời lưu ý các trạm y tế xã, phường, thị trấn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể rà soát, lập danh sách trẻ 2 tháng tuổi (bao gồm cả đối tượng vãng lai) trong tháng đầu tiên triển khai để tổ chức uống liều 1, trong các tháng tiếp theo lập danh sách trẻ cần uống liều 1 và liều 2. Việc triển khai cho trẻ uống vắc-xin Rota đúng kỹ thuật, theo dõi giám sát phản ứng sau tiêm chủng nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh những ảnh hưởng không tốt đến việc triển khai vắc-xin mới.
BS. Phạm Ngọc Mai - Phó Trưởng khoa Liên chuyên khoa Kiểm soát bệnh tật - Y tế công cộng và An toàn thực phẩm TTYT huyện Nam Đông cho hay: “Trên địa bàn đã hoàn tất việc tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến xã tham gia TCMR. Mục đích nhằm triển khai cho các TYT rà soát, điều tra đối tượng trước và chuẩn bị các điều kiện liên quan chờ vắc-xin về sẽ triển khai ngay.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mỗi trẻ được uống 2 liều vắc-xin với khoảng cách: Liều 1 uống khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, liều 2 uống ít nhất 1 tháng sau lần thứ nhất. Nếu trẻ chưa uống vắc-xin hoặc chưa uống đủ liều nên cho uống bù càng sớm càng tốt và hoàn thành trước 6 tháng tuổi. “Trong tháng đầu tiên triển khai, chỉ triển khai liều 1 vắc-xin Rota cho trẻ 2 tháng tuổi. Mỗi trẻ chỉ uống 1 loại vắc-xin Rotarix hoặc Rotavin. Nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới hướng dẫn vắc-xin Rota có thể uống cùng vắc-xin bại liệt uống trong cùng buổi tiêm chủng”, BSCKI. Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm và Kiểm soát ký sinh trùng côn trùng CDC lưu ý.
Các kênh truyền thông của CDC nhấn mạnh việc cần cho trẻ uống vắc-xin Rota hoàn thành trước 6-8 tháng tuổi. ThS.BSCKII. Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh cho biết: “Ngoài đẩy mạnh truyền thông rộng rãi trong người dân, chúng tôi cử bộ phận phụ trách tập huấn hướng dẫn cụ thể, thống kê đối tượng toàn tỉnh, dự trù vắc-xin, rà soát lại cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh đảm bảo cung cấp vắc-xin an toàn. Tinh thần là sẵn sàng triển khai ngay khi có vắc-xin phòng Rota vi rút phân bổ về và theo lịch tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã, phường”.
Bệnh tiêu chảy cấp tính do Rota vi rút xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, tập trung cao ở nhóm trẻ dưới 12 tháng với các triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt, ho, ăn uống kém. Hiện, bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu do căn bệnh này hàng năm, đặc biệt ở ở vùng khó khăn. Giai đoạn 2016-2023, vi rút Rota gây ra tiêu chảy cấp ở trẻ tỷ lệ từ 20% - 50%. |